Như VietTimes đã đăng tin, dư luận, báo giới đặc biệt quan tâm đến sự kiện Tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào đầu tháng 3/2019 vừa qua. Bên cạnh những thành công đáng được ghi nhận, dư luận cũng băn khoăn việc Đà Nẵng ký hợp đồng lựa chọn nhà tư vấn chiến lược kinh tế đến năm 2030 cho TP Đà Nẵng có liên quan đến đơn vị được giao nghiên cứu Dự án tổ hợp trung tâm tài chính Danang Gateway trên diện tích đất “kim cương” của Đà Nẵng.
Để làm rõ quy định pháp luật, cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Khánh Linh-Giám đốc Công ty Luật TNHH LDL.
Thưa Luật sư, dư luận nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang rất băn khoăn việc Đà Nẵng ký hợp đồng với Sakae Corporate Advisory để tư vấn phần thiết kế, nhưng đồng thời lại chọn Tập đoàn Sakae Holdings Ltd (tập đoàn mẹ của Sakae Corporate Advisory) nghiên cứu đầu tư Dự án. Như vậy có trái các quy định của pháp luật hiện hành không?
-Với những gì đã được Đà Nẵng công bố tôi chưa đủ dữ liệu để đưa ra kết luận có sai trái gì không trong các quyết đình của Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu muốn anh có thể tham chiếu các quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu 2013; Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Điều 2 Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư để rõ hơn về vấn đề này.
Nhưng những ngày qua dư luận nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang có những nghi ngại, rằng trong vấn đề này có gì đó "mờ ám". Để giải tỏa nghi ngại đó, theo ông nên làm thế nào?
-Theo tôi, cần minh bạch thông tin, cũng như mối liên hệ giữa “nhà tư vấn chiến lược kinh tế cho Đà Nẵng” và nhà đầu tư nghiên cứu Dự án Danang Gateway thì dư luận mới hết đặt câu hỏi.
Ví dụ: cần làm rõ vai trò tư vấn của Sakae Corporate Advisory đối với UBND TP Đà Nẵng là gì? Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu…
Với những thông tin mà chúng ta biết được thì Sakae Corporate Advisory là nhà tư vấn chiến lược kinh tế cho TP Đà Nẵng đến năm 2030 (tư vấn hợp phần Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030) cùng liên danh Công ty tư vấn Surbana Jurong (tư vấn hợp phần quy hoạch chung), mà chưa có thông tin thể hiện vai trò của Sakae Corporate Advisory
có liên quan gì đến Dự án Danang Gateway hay không?
Thứ nữa, làm rõ mối quan hệ sở hữu giữa cổ phần, quản lý điều hành giữa Sakae Corporate Advisory và Tập đoàn Sakae Holdings Ltd?. Cụ thể là sở hữu của nhau bao nhiêu phần trăm cổ phần/phần vốn góp, việc cùng sở hữu cổ phần/phần vốn góp đối với bên thứ ba, công tác quản lý điều hành như thế nào…
Công bố những thông tin ấy để biết rõ Tập đoàn Sakae Holdings Ltd sẽ tác động gì đến công ty con của mình là Sakae Corporate Advisory. Khi đó mới có thể kết luận được chứ không thể võ đoán vì khái niệm và quy định pháp lý về Công ty mẹ-công ty con ở mỗi quốc gia là khác nhau.
Một vấn đề cũng cần lưu ý là, việc đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp này trước tiên phải căn cứ vào Luật Đấu thầu, tiếp theo là Luật Đầu tư.
Trong khi thông tin được biết, Dự án tổ hợp Trung tâm tài chính Danang Gateway hiện tại mới ở giai đoạn “cho phép nghiên cứu” nên chưa đánh giá nó đúng hay không đúng so với Luật Đầu tư mà cần đánh giá nó với Luật Đấu thầu. Vì không có thông tin để đánh giá nó đúng hay sai so với quy định của Luật Đấu thầu 2013.
Tóm lại, việc kết luận cần viện dẫn đúng các quy định pháp luật và làm rõ mối quan hệ về mặt tài chính và pháp lý giữa Sakae Corporate Advisory và Tập đoàn Sakae Holdings Ltd. Trong khi chưa làm rõ được thì chưa có căn cứ để võ đoán, nhưng dư luận vẫn có quyền ngờ vực.
Lô đất rộng 2,7ha tại góc tây bắc nút giao thông Võ Văn Kiệt-Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) dự kiến được sử dụng để liên danh Tập đoàn Sakae Holdings Ltd, Fission Holdings Pte.LTD và Công ty CP XNK Newtechco nghiên cứu triển khai Dự án tổ hợp trung tâm tài chính Danang Gateway
|
Vậy để minh bạch thông tin, đặc biệt là để thực có hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư thì Đà Nẵng cần làm gì?
-Theo tôi, UBND TP Đà Nẵng nên công khai minh bạch tất cả từ hồ sơ pháp lý, năng lực, pháp nhân của các đơn vị tham gia vào việc này. Nhất là việc quy hoạch, định hình chiến lược cho Đà Nẵng trong tương lai, cũng như các dự án sử dụng tài nguyên đất đai của địa phương.
Tuy nhiên được biết, việc UBND TP Đà Nẵng lựa chọn nhà thầu là Liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 được thực hiện theo trường hợp đặc biệt. Tức là, trường hợp này UBND TP Đà Nẵng sẽ gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu sau khi có ý kiến từ các Bộ ngành.
Do đó, các quy trình và kế hoạch lựa chọn nhà thầu (lập hồ sơ mời thầu, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu...) sẽ không giống các trường hợp thông thường như đã được hướng dẫn ở Luật Đấu thầu.
Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến liên quan đến chủ trương này của Đà Nẵng. Trong đó, yêu cầu Đà Nẵng phải tiếp thu ý kiến của các bộ ngành trung ương, đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo đúng quy định pháp luật. Và đặc biệt là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện lựa chọn nhà thầu này.
Vì vậy, cũng chưa thể kết luận gì về việc UBND thành phố Đà Nẵng có phải công khai các thông tin liên quan về quá trình lựa chọn nhà thầu này hay không. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng ngoài việc tuân thủ quy định về Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu thì hoạt động của UBND TP cũng phải tuân theo Luật chính quyền địa phương. Nên nếu UBND TP chủ động công bố để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra là hết sức cần thiết, vừa đảm bảo thông tin minh bạch và tránh việc nghi ngờ, thắc mắc của dư luận.
- Xin cảm ơn Luật sư!