Về Sakae Corporate Advisory - nhà tư vấn chiến lược cho Đà Nẵng

VietTimes -- Tập đoàn mẹ của Sakae Corporate Advisory là một công ty có thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng ăn uống (F&B) có trụ sở chính tại Singapore.
Trụ sở chính của tập đoàn Sakae Holdings - công ty mẹ của hãng tư vấn Sakae Corporate Advisory (Nguồn: Internet)
Trụ sở chính của tập đoàn Sakae Holdings - công ty mẹ của hãng tư vấn Sakae Corporate Advisory (Nguồn: Internet)

Tại sự kiện “Tọa đàm mùa Xuân 2019” diễn ra ngày 1/3/2019, TP. Đà Nẵng đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư, thực hiện các dự án trong điểm tại địa phương.

Bên cạnh việc trao thông báo nghiên cứu đầu tư cho nhiều dự án với tổng mức đầu tư lên tới gần 4 tỷ USD, Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công buổi lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030.

Hoạt động này là bước đi quan trọng tạo tiền đề thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc và định hướng phát triển trong tương lai của TP. Đà Nẵng.

Đối tác tư vấn quy hoạch cho Đà Nẵng là liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory (Sakae Corporate Advisory) và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Surbana Jurong) của Singapore.

Công bố sự kiện trên Cổng thông tin điện tử Tp. Đà Nẵng.
Công bố sự kiện trên Cổng thông tin điện tử Tp. Đà Nẵng.

Theo thông tin trên nhiều cơ quan báo chí trung ương (VOV, TTXVN, Báo Đầu tư, VnExpress...), Sakae Corporate Advisory sẽ phụ trách tư vấn hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; Còn Surbana Jurong sẽ phụ trách hạng mục tư vấn hợp phần quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng. Nội dung này thống nhất với thông tin mà Đà Nẵng đã công bố trên cổng thông tin điện tử của thành phố này vào chiều ngày 1/3/2019, tại bản tin Đà Nẵng ký kết hợp đồng triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung.

Trong khi đó, Báo Đà Nẵng tại bản tin Liên danh Singapore sẽ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng ngày 27/2/2019 lại viết: "Hoạt động của Liên danh này tham gia các gói tư vấn độc lập. Cụ thể, Công ty Sakae Corporate Advisory tham gia gói tư vấn về điều chỉnh quy hoạch chung và Xúc tiến hợp đầu tư Đà Nẵng- Singapore; Công ty tư vấn Surbana Jurong tham gia tư điều chỉnh Quy hoạch chung và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế- xã hội."

Vậy chính xác thì Sakae Corporate Advisory tư vấn hợp phần nào, Surbana Jurong tư vấn hợp phần nào (?).

Được biết, tổng chi phí thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 90,1 tỷ đồng (Ngân sách thành phố chi trả 36,1 tỷ đồng và 54 tỷ đồng còn lại được huy động từ nguồn lực xã hội hóa).

Từ biên bản ghi nhớ đến những đối tác cụ thể

Buổi lễ công bố chính thức việc ký kết hợp đồng tư vấn cũng kết quả của quá trình tìm kiếm đối tác, cụ thể hóa những nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND TP. Đà Nẵng và Liên đoàn sản xuất Singapore (Singapore Manufacturing Federation - viết tắt: SMF) được ký kết từ tháng 11/2017.

Tháng 4/2018, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch SMF Douglas Foo cùng trao Bản Ghi nhớ đồng ý về mặt nguyên tắc cho nhóm các nhà đầu tư của Singapore hỗ trợ thành phố nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch khu vực Vịnh Đà Nẵng, nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn tại Đà Nẵng.

Tháng 12/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đối tác Sakae Corporate Advisory, Surbana Jurong của Singapore và thực hiện công bố chính thức tại buổi lễ diễn ra vào ngày 1/3/2019 như đã nêu.

Theo tìm hiểu của VietTimes, công ty Surbana Jurong tiền thân là một công ty phát triển nhà của Singapore với hơn 50 năm kinh nghiệm về quy hoạch đô thị, công nghiệp, hạ tầng. Bên cạnh đó, Surbana Jurong cũng là một công ty tư vấn độc lập, có uy tín quốc tế và được xếp hạng 25/225 công ty thiết kế lớn của thế giới với tập khách hàng đông đảo.

Sakae Corporate Advisory là một trong những công ty thành viên của tập đoàn Sakae Holdings (Nguồn: sakaeholdings.com)
Sakae Corporate Advisory là một trong những công ty thành viên của tập đoàn Sakae Holdings (Nguồn: sakaeholdings.com)

Trong khi đó, công ty Sakae Corporate Advisory (thành lập vào năm 2014) lại là một tên tuổi khá mới mẻ, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tư vấn.

Khách hàng đầu tiên của Sakae Corporate Advisory là một công ty tư nhân có tên gọi Q&M Dental Group chuyên hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nha khoa ở châu Á với mạng lưới chi nhánh tại Singapore, Trung Quốc và Malaysia. Hợp đồng này được ký kết vào năm 2015 và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 2 năm.

Theo giới thiệu trên trang chủ, Sakae Corporate Advisory do tập đoàn Sakae Holdings Ltd (viết tắt: Sakae Holdings; là một công ty đại chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore) sở hữu 100% vốn.

Tuy vậy, các thông tin về hoạt động, tình hình tài chính của Sakae Corporate Advisory chỉ được Sakae Holdings công bố một cách khá hạn chế.

Chỉ biết rằng, ông Douglas Foo - Chủ tịch SMF, cũng đóng vai trò là Chủ tịch Sakae Corporate Advisory và Chủ tịch điều hành của Sakae Holdings.

Về Sakae Holdings

Theo tìm hiểu của VietTimes, Sakae Holdings được sáng lập bởi ông Douglas Foo từ năm 1997, để lại nhiều dấu ấn trong việc mở các cửa hàng phục vụ món ăn truyền thống của Nhật Bản là sushi và sashimi tại Singapore.

Trong quá trình phát triển, Sakae Holdings đã mở rộng mạng lưới với hơn 100 chi nhánh tại nhiều nước và sở hữu 23 công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: nhà hàng, tư vấn đầu tư, tư vấn công nghệ, tổ chức sự kiện, giao nhận, sản xuất rượu.

Cho đến nay, lĩnh vực dịch vụ nhà hàng ăn uống (F&B) vẫn là thế mạnh của tập đoàn này với những định hướng được lên kế hoạch khá chi tiết.

Báo cáo thường niên năm 2018 cho thấy, tập đoàn này đang theo đuổi mục tiêu chiến lược xây dựng “Sakae” trở thành một thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực F&B với khẩu hiệu “Think Sushi, Think Sakae”. Để thực hiện mục tiêu này, Sakae Holdings cho biết sẽ tiến hành cải thiện hiệu quả hoạt động và tiêu chuẩn dịch vụ để gia tăng thị phần.

Cũng cần lưu ý rằng, doanh thu của Sakae Holdings trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 đang có xu hướng sụt giảm. Thậm chí, trong năm 2015 và 2016, tập đoàn này còn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ đến hàng triệu Singapore Dollar (SGD).

Tính tới ngày 30/9/2018, tổng tài sản của tập đoàn này đạt 96,86 triệu SGD. Về cơ cấu nguồn vốn, Sakae Holdings đang có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy khá cao khi tổng các khoản nợ phải trả lên tới 69,345 triệu SGD (chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn) gấp 2,5 lần quy mô vốn chủ sở hữu.

Không tự bó hẹp trong lĩnh vực F&B, tập đoàn này mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ và an ninh mạng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ rệt và có thể thay thế được mảng kinh doanh chính là F&B của Sakae Holdings.

Khoản đầu tư của Sakae Holdings vào công ty Sakae Corporate Advisory không được tập đoàn này đề cập chi tiết trong Báo cáo thường niên năm 2018.

Riêng tại Việt Nam, Sakae Holdings cũng có một số hoạt động đáng chú ý khác. Trong đó, có thể kể tới việc Sakae Holdings thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) vào tháng 12/2017.

Trong một hoạt động thúc đẩy và tăng cường hợp tác với hai bên, ngày 11/3/2018, Sakae Corporate Advisory (công ty con của Sakae Holdings) và Tập đoàn Thiên Thanh đã thực hiện ký kết hợp đồng tái cấu trúc.  

Theo đó, Sakae Corporate Advisory sẽ tham gia tái cấu trúc Tập đoàn Thiên Thanh, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ Tập đoàn Thiên Thanh tiếp cận các cơ hội thu hút đầu tư.

Nên biết, Tập đoàn Thiên Thanh là một doanh nghiệp có hoạt động đầu tư khá tích cực tại thị trường Đà Nẵng, nhất là khi chưa xảy ra biến cố với ông Phạm Công Danh.

Trong khi Sakae Corporate Advisory chính thức ký hợp đồng để trở thành nhà tư vấn cho Đà Nẵng, thì cùng tại Tọa đàm mùa Xuân vừa diễn ra, công ty mẹ của nó - là Sakae Holdings Ltd - cũng hứa hẹn những khoản đầu tư lớn vào thành phố lớn nhất miền Trung.

Cụ thể, cùng với Fission Holdings Pte. Ltd và Công ty CP XNK Newtechco, liên danh của Sakae Holdings đã được Đà Nẵng trao thông báo nghiên cứu đầu tư tại dự án DANANG GATEWAY.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD; tọa lạc trên vị trí 4 lô đất A12, A13, A14, A15 đường Võ Văn Kiệt và lô 2,7 ha phía Tây Bắc nút giao thông Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp.

Dự án được giao cho liên danh Sakae Holdings Ltd - Fission Holdings Pte. Ltd - Công ty CP XNK Newtechco nghiên cứu đầu tư chính là dự án có quy mô "khủng" nhất trong tổng số 12 dự án được UBND TP Đà Nẵng trao thông báo nghiên cứu đầu tư tại sự kiện vừa rồi.

Cụ thể, nó chiếm đến quá nửa trong tổng quy mô đầu tư dự kiến - là 3,6 tỷ USD - cho cả 12 dự án./.