|
Hình minh họa |
Xử lý dữ liệu là nguồn thu nhập lớn nhất của Facebook. Trong năm 2016, công ty đã kiếm được 6,4 tỷ USD từ mảng quảng cáo, đánh dấu sự tăng trưởng 63% so với năm trước.
Có rất ít người nhận ra được mức độ thu thập dữ liệu của Facebook một cách chính xác. Bên cạnh việc xử lý thông tin trên trang cá nhân, Facebook còn theo dõi bạn ở bên ngoài phạm vi nền tảng của mình (offsite) và mua thông tin về hoạt động ngoại tuyến của bạn từ các bên thứ ba. Nhờ sức mạnh có được từ những nguồn này, Facebook có thể xây dựng nên những hồ sơ khách hàng chi tiết đến mức nó có thể làm dấy lên nhiều mối lo ngại về quyền riêng tư.
Những dữ liệu nào được thu thập?
Chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook (được sửa đổi lần cuối vào ngày 29/9/2016) có nêu rõ các loại thông tin mà nó thu thập về bạn. Một số được thu thập ở ngay trên trang Facebook (onsite), còn lại là dữ liệu ngoài phạm vi nền tảng (offsite).
1. Dữ liệu onsite
- Tất cả những gì mà bạn chia sẻ trên Facebook, bao gồm chi tiết thông tin tài khoản, những bài đăng do bạn viết, vị trí và ngày tháng chụp ảnh, cách bạn sử dụng Facebook (như loại nội dung mà bạn yêu thích, tần suất giao tiếp, và bạn thường xuyên giao tiếp với những ai).
- Tất cả những gì người khác nói về bạn, bao gồm ảnh, tin nhắn và các bài đăng.
- Các nhóm mà bạn tham gia, bao gồm dữ liệu về cách bạn tương tác với họ và thông tin liên lạc (ví dụ như địa chỉ) mà bạn đăng lên.
- Thông tin tín dụng, như kiểu thanh toán mà bạn đã thực hiện, thông tin thẻ tín dụng (số thẻ, mã bảo mật,...) cũng như hóa đơn và chi tiết giao hàng.
2. Dữ liệu offsite
- Tất cả thông tin về thiết bị của bạn, như hệ điều hành, phiên bản phần cứng, cài đặt của thiết bị, tên và loại phần mềm, pin và tín hiệu sóng, số hiệu thiết bị, địa chỉ thông qua GPS, tên nhà mạng sử dụng, loại trình duyệt sử dụng, ngôn ngữ và múi giờ, số điện thoại di động và địa chỉ IP.
- Thông tin từ các trang web và ứng dụng bên thứ ba có liên kết với Facebook, chẳng hạn như các trò chơi nền web. Thông tin bao gồm những trang web và ứng dụng mà bạn truy cập.
- Thông tin được cung cấp bởi các đối tác bên thứ ba, chẳng hạn như các nhà quảng cáo hoặc các nhà môi giới dữ liệu.
- Thông tin được cung cấp bởi các công ty khác thuộc sở hữu của Facebook.
Các công ty thuộc quyền sở hữu của Facebook
1. Facebook Payment Inc.
2. Atlas
3. Instagram LLC
4. Onavo
5. Moves Oculus
6. WhatsApp Inc.
7. Masquerade
8. CrowdTangle
Dữ liệu được thu thập như thế nào?
Một số kỹ thuật thu thập dữ liệu, đơn giản như lưu thông tin tài khoản hoặc nhật ký hoạt động trên Facebook là khá hiển nhiên. Những kỹ thuật khác thì không được rõ ràng như vậy.
Năm 2015, Facebook đã thua một vụ kiện tại Bỉ, liên quan đến việc thu thập dữ liệu của mình. Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Leuven và Brussels đã kết luận rằng mỗi khi một người truy cập một trang Facebook hay một trang web có dùng nút Facebook Like, một cookie (một đoạn văn bản ghi thông tin được tạo ra và lưu trên trình duyệt của máy người dùng) có tên datr được lưu trữ một cách bí mật trên trình duyệt – ngay cả trên trình duyệt của người không sử dụng Facebook. Cookie này được thiết kế để tồn tại trong thời gian 2 năm, đồng thời theo dõi tất cả các hoạt động duyệt web của người dùng. Tòa án đã quyết định rằng việc thu thập thông tin của người dùng mà không được sự đồng ý của họ là vi phạm quy định của EU. Năm 2016, Facebook đã kháng cáo thành công khi lập luận rằng họ có trụ sở chính tại châu Âu được đặt ở Ireland nên tòa án Bỉ không có quyền hành phán xét họ. Do vậy, Facebook vẫn được phép tự do theo dõi người dùng (và thậm chí cả những người không phải người dùng) của mình.
Để hồ sơ người dùng trở nên chi tiết hơn nữa, Facebook còn mua thông tin về các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến của bạn từ các bên thứ ba.
Facebook và các nhà môi giới dữ liệu bên thứ ba
Thu thập dữ liệu là một ngành công nghiệp khổng lồ hoạt động trong bóng tối. Các nhà môi giới dữ liệu là những công ty thu thập và phân tích các dữ liệu công khai để xây dựng hồ sơ chi tiết về người dùng. Những hồ sơ này có thể chứa các thông tin như bạn có nuôi chó hay không, bạn thích trà của hãng nào, cỡ giày, bạn đang mang thai hay không, và thói quen mua sắm bằng thẻ tín dụng. Theo New York Times, Acxiom, một trong những công ty môi giới dữ liệu lớn nhất thế giới, người dùng được phân chia thành các nhóm rất nhạy cảm như "người thừa kế tiềm năng", "người trưởng thành với bố mẹ có chức có quyền", "đang ăn kiêng", "thích bài bạc", "đang cần tiền" và "có hút thuốc lá".
Làm thế nào mà các nhà môi giới này có thể thu thập thông tin về bạn? Họ lấy chúng từ dữ liệu mở của chính phủ (ví dụ, nếu bạn thực hiện quyên góp chính trị), các thông tin công khai (hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội), và dữ liệu thương mại (những thanh toán do bạn thực hiện). Bất kì cuộc thi, khảo sát, bảo hành, thanh toán bằng thẻ hay thậm chí là đăng kí dịch vụ (subscription) đều được tính đến. Những dữ liệu này được cung cấp cho các thuật toán phức tạp, từ đó phân loại bạn theo nhiều hạng mục khác nhau.
Thu thập dữ liệu là việc rất phổ biến tại Mỹ, nơi luật bảo vệ dữ liệu vẫn chưa được hoàn thiện. Các công ty môi giới dữ liệu thậm chí không có nghĩa vụ phải cho bạn thấy rằng hồ sơ thông tin của họ về bạn có chứa những gì. Ngay cả khi họ quyết định làm điều đó để "thể hiện tính minh bạch", họ vẫn có thể chọn lọc thông tin hoặc biến quá trình truy cập thông tin trở nên khó khăn một cách nực cười.
Để bạn có thể hiểu rõ hơn về phạm vi của ngành công nghiệp thu thập dữ liệu, công ty Datalogix (đây cũng là công ty môi giới dữ liệu đầu tiên mà Facebook kí hợp đồng vào năm 2012) có thông tin về hầu hết mọi hộ gia đình tại Mỹ và nắm trong tay lượng thông tin giao dịch người dùng lên tới 1.000 tỷ USD. Acxiom, một công ty môi giới khác có liên kết với Facebook có thông tin về khoảng 500 triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới, với khoảng 1.500 điểm dữ liệu cho mỗi người.
Những loại quảng cáo của Facebook do các bên thứ ba cung cấp thường là về tài chính, chẳng hạn như nguồn thu nhập hàng tháng, giá trị tài sản, hoặc bạn có đi đến những cửa hàng giá rẻ để mua đồ hay không.
Cách Facebook sử dụng dữ liệu của bạn
Dữ liệu Facebook thu thập được dùng để cung cấp cho các dịch vụ, chẳng hạn như đưa ra các nội dung đề xuất, giúp bạn tìm một sự kiện tại địa phương hoặc hiển thị tin tức phù hợp với sở thích của bạn.
Ngoài ra, thông tin cũng được chia sẻ với tất cả các nền tảng và ứng dụng mà Facebook sở hữu [bạn đọc có thể xem lại phần trên].
Cuối cùng, Facebook sử dụng dữ liệu của bạn để cung cấp cho các dịch vụ tiếp thị. Theo như chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook: "Với điều này, chúng tôi sử dụng tất cả các thông tin chúng tôi có về bạn để hiển thị cho bạn những quảng cáo có liên quan". Facebook không chia sẻ những thông tin mang tính nhận dạng cá nhân (những thông tin có thể dùng để xác định bạn như tên hay địa chỉ email). Tuy nhiên, nó chia sẻ tất cả các loại thông tin khác, bao gồm sở thích của bạn, lịch sử duyệt web, địa điểm, thông tin thanh toán, trạng thái mối quan hệ, thông tin gia đình,...
Sự nguy hiểm của việc tạo hồ sơ thông tin cá nhân
Việc sử dụng dữ liệu của bạn cho mục đích tiếp thị có thực sự là một vấn đề không? Xét cho cùng, Facebook không chia sẻ cái gọi là thông tin nhận dạng cá nhân. Rất ít doanh nghiệp có thể tồn tại đến ngày nay nếu như họ không thể nhắm đến đúng đối tượng người dùng. Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng cho rằng việc các quảng cáo được chỉnh sửa sao cho phù hợp với nhu cầu của họ cũng khá tiện lợi.
Tất cả mọi thứ đều còn phụ thuộc vào quy mô. Peter Eckersley, một nhà khoa học máy tính tại Electronic Frontiers, nói rằng ngay cả khi các công ty sử dụng những phương pháp thu thập thông tin của Facebook, không có công ty nào có thể sử dụng toàn bộ chúng cùng một lúc.
Bên cạnh mối lo ngại hiển nhiên nhất là có quá nhiều thông tin được tập hợp tại một công ty (khi Facebook có 1,94 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng trong năm 2017), dữ liệu có thể bị lạm dụng bởi các nhà quảng cáo theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, chủ xe máy có thể nhìn thấy các quảng cáo bảo hiểm có giá cao hơn mặt bằng chung, hay những người có thu nhập thấp chỉ được giới thiệu mua nhà chất lượng thấp.
Bạn có thể "rút lui" hay không?
Câu trả lời ngắn gọn là không.
Câu trả lời "dài gọn" là nó còn phụ thuộc vào việc bạn muốn rút lui khỏi cái gì. Bạn có thể ngưng việc nhìn thấy những quảng cáo được chỉnh sửa dựa trên sở thích, nhưng điều đó không có nghĩa là Facebook sẽ ngừng theo dõi bạn.
Yêu cầu các công ty môi giới dữ liệu dừng việc thu thập dữ liệu của bạn, về lý thuyết là có thể, nhưng trên thực tế lại là một công việc gần như bất khả thi. Để thoát khỏi Datalogix, bạn sẽ phải gửi yêu cầu kèm theo bản sao của ID (giống như CMND của Việt Nam). Julia Angwin, tác giả của cuốn sách Dragnet Nation: A Quest for Privacy, Security, and Freedom in a World of Relentless Surveillance đã từng thử rút lui khỏi 92 công ty môi giới dữ liệu có tùy chọn cho phép rút lui. Kết quả là, trong phần lớn số lần thử, bà đều thất bại.
Có một số cách để giảm thiểu thiệt hại. Bạn có thể đổi tùy chọn quyền riêng tư để quyết định xem ai có thể xem các bài đăng và thông tin trang cá nhân của bạn trên Facebook.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt Tor, một trình duyệt giúp bạn ẩn danh (phần nào) trên Internet.
Tuy nhiên, cách duy nhất để ngăn chặn việc thu thập thông tin của Facebook chính là xóa tài khoản của bạn. Như trong chính sách sử dụng dữ liệu có nói: "Chúng tôi lưu trữ dữ liệu lâu nhất có thể để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho bạn và mọi người. Thông tin có liên quan đến tài khoản của bạn sẽ được giữ cho đến khi tài khoản của bạn bị xóa, trừ khi chúng tôi không còn cần đến những dữ liệu đó để cung cấp sản phẩm và dịch vụ nữa".
Tất nhiên, từ bỏ Facebook không phải là chuyện đơn giản, khi nó đã trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại của mỗi chúng ta. Điều bạn nên làm là cân nhắc thật kỹ, liệu những gì mà Facebook (và những nền tảng khác thuộc sở hữu của Facebook) đem lại có đáng với những gì chúng ta đã bỏ ra hay không?
http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2338084/de-che-du-lieu-cua-facebook-nguy-hiem-nhu-the-nao