"Để các bộ quản lý vốn lớn, cứ cấu chỗ nọ, xé chỗ kia thì chẳng mấy mà hết"

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có ý kiến xung quanh chủ trương thành lập một ủy ban chuyên trách quản lý, kinh doanh vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo dự thảo mới vừa được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến.
Cải cách DNNN cần có con người mới, tư duy mới và cách làm mới
Cải cách DNNN cần có con người mới, tư duy mới và cách làm mới

“Cứ vin vào vốn lớn, vốn khủng để mỗi bộ chia nhau quản một ít, rồi cấu chỗ nọ, xé chỗ kia chẳng mấy tài sản của Nhà nước sẽ hết. Hãy so sánh với mô hình của các tập đoàn nước ngoài, khi họ cơ cấu, bán tài sản đi, sẽ chuyển phần lớn sang tái đầu tư, gia tăng thặng dư. Còn Việt Nam, tái cơ cấu DNNN đa phần chuyển tiền về ngân sách, chuyển vào chi thường xuyên, rồi lâu dần cũng hết…”.

Quản các “ông tướng” DNNN bằng cách nào?

Ngay sau khi Bộ KH&ĐT đưa dự thảo lập một ủy ban thuộc Chính phủ để quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty thay các bộ chủ quản, một số ý kiến đồng tình, song không ít ý kiến lo ngại, nghi ngờ. Phóng viên Dân trí đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế để làm rõ hơn vấn đề đang được bàn cãi này.

TS. Lưu Bích Hồ cho hay: “Cải cách khu vực DNNN nói bao năm nhưng tốc độ vẫn rất chậm và rất khó. Chúng ta cần một đột phá, một cách làm mới. Hiện vấn đề chồng chéo chức năng, vai trò quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp đang gây méo mó thị trường. Chúng ta cần nhìn ra vấn đề, quyết tâm làm bằng nhiều cách, không thể chậm trễ hơn”.

Về đề xuất lập ủy ban như dự thảo của Bộ KH&ĐT, ông Hồ nhất trí nhưng kiến nghị: “Hiện chủ tịch các tập đoàn lớn đều do Thủ tướng bổ nhiệm, nhiều ông to tương đương thứ trưởng, hết thời hạn quản lý lại được chuyển về các bộ, dù có làm được việc hay không. Quyền và lợi ích của các ông chủ tập đoàn Nhà nước rất cao. Như vậy, cách quản lý sau khi lập cơ quan chuyên trách như ủy ban của Bộ KH&ĐT thì quản các ông này như thế nào?”.

Do đó, TS. Hồ nhấn mạnh: "Nếu các ông chủ tịch tập đoàn, tổng công ty DNNN không thực hiện đúng cách quản lý của mô hình mới thì có bị người đứng đầu ủy ban bãi nhiễm hay không? Đây là điều đặt ra trong quản lý mà chúng ta cần xem xét thấu đáo. Nếu không thì vẫn kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, trên bảo dưới không nghe".

Theo quan điểm của TS.Hồ: "Tôi không đồng ý cách người ta gọi ủy ban này là siêu ủy ban hay siêu bộ, bởi vì rất nhiều người không hiểu thực chất của dự thảo".

“Cứ vin vào vốn lớn, vốn khủng để mỗi bộ chia nhau quản một ít, cấu chỗ nọ, lột chỗ kia chẳng mấy tài sản của Nhà nước sẽ hết. Số tiền cổ phần hóa hiện chưa được tái đầu tư, chỉ đưa về ngân sách là rất thiếu hiệu quả. Hãy so sánh với mô hình của các tập đoàn nước ngoài, khi họ bán tài sản đi, sẽ chuyển phần lớn sang tái đầu tư, gia tăng thặng dư. Còn Việt Nam, tái cơ cấu DNNN đa phần để bán cho xong, thu tiền về ngân sách, chuyển vào chi thường xuyên, rồi lâu dần cũng hết. Tôi có thông tin, SCIC cho vay ngân hàng lấy lãi, cách đó cũng hợp lý thôi, nhưng ngắn hạn, không có chiến lược", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Hồ kiến nghị nên kiếm tìm, kêu gọi người tài về nước làm việc. “Tôi sang Dubai nghe kể về 1 Việt kiều rất nổi tiếng ở Mỹ. Sau khi ông ta làm thiết kế xong theo đơn đặt hàng của chính phủ nước này về hệ thống công nghệ thông tin quản lý giao thông cho toàn bộ đất nước mà chỉ cần ngồi một chỗ, không cần cảnh sát nữa. Xong xuôi, ông ta xin về Mỹ. Tuy nhiên, nhà vua Dubai xin giữ ông lại, tặng tiền, nhà lớn để ông và gia đình định cư tại Dubai. Tôi muốn nói rằng, người Việt Nam không thiếu gì những người có tài năng. Hội nhập, cạnh tranh và đất nước đang rất cần thay đổi, tư duy mới và những con người mới để đất nước vươn xa”, ông Hồ nói.

Không biết làm thì kêu người nước ngoài họ dạy cho!

Cũng có ý kiến về lập ủy ban trên, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM cho rằng: “Chúng ta nên dùng công ty chứ không nên dùng tên gọi và cơ chế hoạt động của một ủy ban. Hiện DNNN sợ bộ như sợ “cọp” bởi nếu chống lại bộ là chết vì bộ vừa cầm dấu, vừa ra chính sách vừa có người đại diện ở DN đó. Do đó, tôi nghĩ lập ủy ban chỉ cầm tiền, còn bộ chỉ quản lý Nhà nước thôi”.

Tuy nhiên, với vai trò là người chấp bút cho bản dự thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tin tưởng việc thành lập ra một cơ quan trên và trong vòng 1 đến 2 năm có thể xây dựng cơ chế và đi vào hoạt động.

Về việc chọn nhân sự, ông Cung nhấn mạnh: “Tôi chỉ đưa ra cơ chế, đề xuất chủ trương, chứ không mong chọn ai cả. Hãy để thị trường chọn lựa. Không ai chọn người chiến thắng ngay từ đầu”.

“Tôi không có chủ trương tuyển các quan chức sang làm quản lý để sinh ra siêu này, siêu nọ. Đội ngũ các lãnh đạo cao cấp ở bộ không làm được, không phải họ thấp kém, không giỏi mà họ vốn quen với cách làm cũ, thiếu các nghiệp vụ quản trị chuẩn quốc tế”, ông Cung nhấn mạnh.

“Chúng ta hãy xây dựng cơ chế để tuyển chọn các cá nhân, lãnh đạo đã và đang làm việc tại các tập đoàn, người nước ngoài về quản lý. Người Việt tài năng ở nước ngoài và cả trong nước đều rất nhiều. Để thu hút được họ, phải xây dựng cơ chế, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá. Phải dứt khoát hy sinh quyền lợi, lợi ích của một số nhóm người, một số bộ vì sự phát triển chung", TS. Cung bày tỏ.

Về quan điểm cho rằng, một ủy ban quản lý số vốn hàng triệu tỷ đồng là quá lớn, quá sức, ông Cung nhấn mạnh: “Tôi thấy số vốn này rất nhỏ, hãy nhìn các tập đoàn đa quốc gia xem họ quản lý bao nhiêu sao vẫn hiệu quả. Cứ so ta với ta thì không bao giờ tốt lên được, không dám làm gì. GDP của mình không bằng số vốn của một tập đoàn, nếu mình không biết cách làm, quản lý thì hãy kêu gọi người Việt tài năng, người nước ngoài vào dạy cho, chứ đừng mò mẫn làm rồi lệch chuẩn, sai chuẩn”.

Theo Dân trí