ĐBQH đề xuất để Đại học FPT “vượt rào” thử nghiệm bitcoin

VietTimes -- Liên quan đến việc trường Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, đại biểu Lê Công Nhường thuộc đoàn Bình Định cho rằng nên để đại học FPT tiếp tục triển khai để đánh giá hiệu quả, tác động với xã hội, từ đó đưa ra phương án tiếp theo.
Đại biểu Lê Công Nhường đoàn Bình Định. Ảnh: NĐBND
Đại biểu Lê Công Nhường đoàn Bình Định. Ảnh: NĐBND

Nhận định trên được đại biểu Lê Công Nhường nêu ra tại phiên thảo luận về các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017 – 2018 của Quốc hội trong ngày hôm qua (1/11).

Theo đó, ông Nhường đã có những đánh giá về vấn đề đồng tiền ảo bitcoin. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đại học FPT thu tiền sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền ảo bitcoin đã bị NHNN “tuýt còi”.
Ông Nhường cho biết, bitcoin và tiền điện tử hiện là một chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và toàn xã hội nói chung. Hiện một số nước đã công nhận là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan.
Trong năm qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành khung đề án hoàn thiện pháp lý và xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế toàn cầu, Chính phủ nên tìm lời giải sớm trong bối cảnh hợp đồng mua bán đã diễn ra nhộn nhịp.

“Tôi kiến nghị Chính phủ nên cho đại học FPT triển khai thí điểm với sinh viên nước ngoài và trong một thời gian nhất định. Từ đó chúng ta đánh giá hiệu quả, tác động xã hội để tìm kiếm các phương án tiếp theo”, đại biểu Nhường phát biểu

Được biết, trước đó, Chủ tịch Đại học FPT TS Lê Trường Tùng cho biết, Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt, trường áp dụng thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên ngoại, và khuyến khích sinh viên nội.

Liên quan đến lo ngại, nhận học phí bitcoin, Đại học FPT sẽ phải đổi ra ngoại tệ để trang trải chi phí hoạt động. Trong khi bitcoin lên xuống thất thường, và dẫn tới khả năng Đại học FPT thu “hụt” học phí khi giá bitcoin rớt thảm, Chủ tịch Đại học FPT TS Lê Trường Tùng cho biết, hiện nay, sinh viên ngoại quốc vẫn nộp học phí bằng ngoại tệ. Như vậy xét về mức độ rủi ro tỷ giá có thể thấy rằng ngoại tệ và bitcoin là như nhau. 

Trong khi đó, hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến bitcoin. Vì vậy, Đại học FPT vẫn chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng tiền bitcoin.

Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Dẫn  Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ và Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN khẳng định “ theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam”, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định.

Đồng thời, NHNN cũng cho biết, từ 1/12018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).