ĐBQH đề nghị xử nghiêm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra cháy

VietTimes -- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất, các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng, nhưng cần siết chặt. Hơn thế, “không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân, lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn” - ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Vụ cháy kinh hoàng 4 giờ đồng hồ tại Nhà máy phích nước Rạng Đông.
Vụ cháy kinh hoàng 4 giờ đồng hồ tại Nhà máy phích nước Rạng Đông.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, hôm nay (13/11), tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: Chỉ trong một năm, từ tháng 7/2018 đến thời điểm báo cáo Quốc hội hôm nay đã có đến 43 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86,4% của 4 năm trước”.

Theo ông Nhưỡng, đây là vấn đề cần phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân, đặc biệt nổi lên ở 3 địa phương gồm Hà Nội đứng đầu bảng, tiếp đến là Bình Dương và TP Hồ Chí Minh..., đây đều là những địa phương phát triển về kinh tế, công nghiệp.

“Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta phát triển “nóng” quá, hay là do trách nhiệm của các cơ quan liên quan", đại biểu nêu câu hỏi.

Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ. Cảm giác xử lý không tương xứng với hậu quả của các đám cháy".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)

“Cử tri đặt câu hỏi, phải chăng các đám cháy không đến với lãnh đạo ở các cấp, các ngành nên các đồng chí không có trách nhiệm gì , chỉ có người dân chịu thôi(?)", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Theo ông, việc truy cứu trách nhiệm của các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng, nhưng cần siết chặt hơn. “Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân, lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn”.

"Báo cáo cũng cho thấy, chỉ có HĐND 4 tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác PCCC, còn 59 tỉnh, thành phố không ban hành thì có trách nhiệm gì không? Trách nhiệm trong việc giám sát, chỉ đạo, ban hành Nghị quyết đối với công tác này như thế nào? Vấn đề này, cần phải nghiên cứu thật sâu sắc", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Nguyên nhân cháy nổ thì trước hết là do con người, tiếp đó là do thiên nhiên; thiên nhiên thì không thể truy cứu trách nhiệm được, còn con người thì dù là vô tình hay cố ý, thì đều phải truy cứu trách nhiệm.

Nhấn mạnh điều này, đại biểu nêu rõ: “Anh lơ là, không quản lý, buông lỏng quản lý là đã phải truy trách nhiệm rồi, chứ chưa cần nói đến trường hợp có dã tâm, độc ác, phóng hỏa để trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau. Do vậy, phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các cán bộ, lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn”.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nhưỡng đề nghị nên bổ sung nội dung: “Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bên cạnh việc đề cao trách nhiệm ở Khoản 3, Điều 2”.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Một trong những vấn đề được đại biểu lo lắng là chất lượng của các thiết bị PCCC, nhất là PCCC tại các công trình. Thực tế giám sát cho thấy, số lượng và chất lượng các thiết bị còn rất khác nhau. Đáng lưu ý, có những thiết bị chỉ mang tính hình thức để đối phó chứ chất lượng rất kém và cũng có rất nhiều những thiết bị là giả và không làm được chức năng PCCC.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: “Vừa rồi lực lượng PCCC đi kiểm tra thì cũng phát hiện ra việc một số trụ nước chỉ là trụ giả chôn xuống dưới mà không có đường ống, hoặc có đường ống nhưng cũng không có nước”.

Trong những hạn chế, tồn tại Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, nhiều đại biểu cũng nêu tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác quản lý về PCCC. Theo đó, không ít nơi, cơ quan PCCC ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án PCCC, đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, chưa kể những chuyện tiêu cực.

Dẫn thông tin từ một số anh em, bạn bè, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, chỉ cần mở một cửa hàng thôi nhưng nếu tự lên phương án PCCC mà đưa đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì “rất là khổ”. Thế nhưng, nếu để cho chính các cơ quan đó gọi cho các doanh nghiệp vào làm, người ta gợi ý luôn thì khi được phê duyệt “rất là nhanh”, vì “người ta vừa làm người ta vừa phê duyệt”. 

Đại biểu khẳng định đây cũng là câu chuyện xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, khi đội trật tự xây dựng đô thị ở quận, huyện giúp UBND quận, huyện thực hiện việc xem xét để cấp phép xây dựng, nhưng cũng lại vừa là cơ quan kiểm tra để xử phạt. Từ đó, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần được cải thiện, điều chỉnh trong quy định của pháp luật.

Từ thực tế và những tiêu cực đó, đại biểu nhấn mạnh, dù các doanh nghiệp, các cửa hàng tư nhân “nhắm mắt” chấp nhận để được phê duyệt nhanh, nhưng vẫn cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm nhằm bảo đảm công tác quản lý PCCC được thực hiện một cách thực chất.