|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 16-11 - Ảnh chụp qua màn hình |
Trả lời câu hỏi của Đại biểu (ĐB) Quốc hội tại phiên chất vấn chiều nay 16-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã không trả lời câu hỏi về việc có dám nhận trách nhiệm hay không về việc tích hợp môn lịch sử; đồng thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chỉ đưa ra câu trả lời nước đôi về việc có tích hợp môn lịch sử hay không.
Mở đầu phần trả lời chất vấn tại Quốc hội (QH) chiều 16-11, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cảm ơn đại biểu đã có lời chúc mừng các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Về câu hỏi "thừa thầy thiếu thợ" của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xin đính chính “chúng tôi vẫn đang thiếu thầy chứ không phải thừa thầy. Còn thợ, đúng là chúng ta thiếu thợ, nhưng chỉ thiếu những thợ giỏi”.
Về đề án cải cách sách giáo khoa, trong đó có tích hợp môn lịch sử của ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định môn lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn trong chương trình hiện hành.
Hiện nay học sinh THPT đang học lịch sử 1,5 tiết/tuần; còn trong dự thảo mà đang có tranh luận, theo thiết kế chương trình thì nếu các cháu không học chuyên thì 2,5 tiết/tuần (tăng 1 tiết so hiện nay); còn phân ban Khoa học xã hội thì học 4 tiết/tuần, tất cả đều bắt buộc. “Như vậy nội dung và khối lượng, kiến thức lịch sử và tăng lên”- Bộ trưởng Luận khẳng định.
Việc tích hợp môn lịch sử vào và có tên gọi là công dân và Tổ quốc, bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đó là theo chương trình tích hợp; thứ hai là trong Luật Quốc phòng an ninh QH thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước và lịch sử quốc phòng. “Vì vậy anh em mới dự kiến đưa vào để tránh trùng lắp”- ông Luận lý giải.
Theo tư lệnh ngành giáo dục, ngoài nội dung lịch sử được dạy trong chương trình Giáo dục công dân và Tổ quốc, ở những môn học khác ban soạn thảo cũng có dự kiến giảng dạy lịch sử. Ví dụ dạy văn học cũng gắn với lịch sử. “Chúng ta dạy các cháu về Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập mà không gắn với lịch sử thì các cháu cũng không thể hiểu được” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng phân tích không chỉ trong dạy văn học, trong giảng dạy địa lý, âm nhạc, mỹ thuật cũng sẽ gắn kết để hỗ trợ cho môn lịch sử. “Ví dụ bây giờ chúng ta dạy các cháu bài hát Xa khơi, Câu hò bên bến Hiền Lương nếu không gắn với lịch sử, các cháu sẽ không có rung động” - Bộ trưởng Luận ví dụ.
“Nói tóm lại, thì thưa với Quốc hội, trong dự thảo mà đang lấy ý kiến không hề có ý giảm môn lịch sử. Vấn đề mà cần thảo luận là ở chỗ cần phải để riêng môn lịch sử hay để lịch sử gắn vào các môn khác” - vị tư lệnh ngành giáo dục nói.
Sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục diễn giải, và Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều hành phiên chất vấn phải nhắc: Đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi.
Sau khi Bộ trưởng Luận tiếp tục trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại phải nhắc: “Anh Luận ơi, sáng nay anh vắng, nên tôi xin nhắc lại câu hỏi: theo quan điểm của anh là có nên bỏ môn lịch sử với tư cách là môn độc lập không?”
Bộ Trưởng luận trả lời: "Hiện ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến toàn dân, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ thảo luận. Chúng tôi dự kiến làm việc với Ban Tuyên Giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, các Uỷ ban của QH, vì đây là vấn đề rất hệ trọng. Còn theo quan điểm của chúng tôi là nếu tích hợp mà làm nhẹ môn lịch sử thì không tích hợp; còn tích hợp mà nó vẫn đảm bảo thì sẽ cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và các chuyên gia lịch sử”.
Không thoả mãn với câu trả lời của tư lệnh ngành giáo dục, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ: "Qua trả lời của bộ trưởng thì tôi thấy bộ trưởng nói tích hợp là coi trọng hơn chứ không phải coi nhẹ, rồi thời lượng, thời gian dạy nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ ai sẽ dạy được tích hợp như thế này khi mà tôi thì tôi chưa thấy bộ có sự chuẩn bị này, vì vậy lo lắng của cử tri là có cơ sở”.
“Giờ có giáo viên chuyên ngành lịch sử dạy mà còn hạn chế như vậy, thậm chí lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, còn giờ lại tích lại nữa thì theo cá nhân tôi thấy rất khó đạt được hiệu quả” - ĐB Lai phân tích.
Theo NLĐ