Bloomberg cũng cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ chưa có những ảnh hưởng rõ ràng nào đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Các số liệu mới được công bố trong tuần chỉ ra rằng, giá năng lượng thấp đang giúp người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp được hưởng lợi.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát đang tiến gần xuống con số 0% trong tháng 9. Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp mới tăng 29%, tương đương 68.347 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 lên 6,5% và năm 2016 là 6,6%, đồng thời cho biết tiêu dùng cá nhân đang hưởng lợi nhờ lạm phát thấp. Niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện cùng với mức lương trung bình trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng.
Theo báo cáo mới công bố của ANZ-Roy Morgan, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng lên 135,3 điểm. Cùng với đó, xuất khẩu trong 9 tháng qua cũng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, Bloomberg cũng đưa ra một tín hiệu tốt lành nữa là nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam tăng lên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc sụt giảm.
Hãng tin này đánh giá, lạm phát thấp đã có tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có thêm không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ và điều tiết phù hợp với tình hình hiện tại.
Ngân hàng ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng từ nay cho tới cuối năm nhờ tiêu dùng cá nhân tăng lên, sản xuất theo hướng xuất khẩu phát triển và nguồn vốn FDI được mở rộng.
Tuấn Minh - Theo Bloomberg, VGP