|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình về đầu mối quản lý nợ công. Ảnh: Cổng TTĐT QH |
Ngày 16/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Vấn đề đầu mối quản lý nợ công quy định trong dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nêu ý kiến, đành rằng để ba cơ quan hiện nay sẽ đỡ xáo trộn bộ máy và có thể phân định trách nhiệm rõ hơn, quy định việc phối hợp rõ hơn để quản lý nợ. Nhưng thực tế sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, bức tranh nợ công phải lắp ghép từ nhiều mảnh nên không hoàn chỉnh, không kịp thời và ODA chưa bao giờ kiểm soát được, luôn dự vượt dự toán đẩy bội chi nợ công lên cao ngoài dự kiến, chưa gắn được trách nhiệm vay, phân bổ với trách nhiệm cân đối nguồn để trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí.
Theo ông Hàm, không thể chối cãi là một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối vì gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó rõ ràng khi gộp bộ phận quản lý nợ công của nhiều cơ quan về một cơ quan sẽ giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức.
Ngoài ra, “Đưa toàn bộ danh mục nợ công về một đầu mối sẽ nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, thay vì phải ghép nhiều mảnh ghép như hiện nay, nên phục vụ tốt hơn trong công tác phân tích nợ, giảm rủi ro của nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, có thể gộp các khoản vay nhỏ thành các khoản vay lớn, giảm các đầu mối tài chính trung gian, từ đó giảm chi phí vay” – Vị đại biểu đoàn Phú Thọ nhận định.
Về vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, việc đề xuất giữ nguyên quy định về đầu mối quản lý nợ công phân chia tách rời thành 3 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước như Luật Quản lý nợ công năm 2009 có ưu điểm căn bản là phát huy được thế mạnh của mỗi cơ quan trong việc huy động các nguồn vốn vay. Điều này phù hợp với mục tiêu cần tăng nhanh nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, quy mô nợ công trong giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được rất nhiều và tốc độ tăng nợ công rất nhanh.
Tuy nhiên, theo ĐB Cường, việc phân chia như trên không gắn giữa trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm và khả năng trả nợ. Điều này không chỉ gây nguy hại là vượt trần nợ công mà điều nguy hại hơn là thời hạn và tiến độ trả nợ gốc và lãi không phân bổ đều theo thời gian, không phù hợp với thu, chi ngân sách, thặng dư xuất, nhập khẩu và khả năng trả nợ của nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ dồn vào từng thời điểm nặng như giai đoạn hiện nay.
“Vì vậy với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ nợ công, gắn trách nhiệm giữa vay nợ, trả nợ thì cách phân chia tách rời như trên theo đại biểu là không phù hợp” – Đại biểu Cường nhấn mạnh.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính, mỗi tiến trình là một đầu mối và Bộ Tài chính thống nhất cùng với Chính phủ. Và một đầu mối ở đây là do Chính phủ phân công, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước hay Văn phòng Chính phủ.
“Theo kinh nghiệm tổng kết các nước thì phần lớn đầu mối về Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có sự thống nhất từ nhận thức, và từ nhận thức, có chủ trương rồi thì phải quyết tâm hành động” –ông Dũng nói.