Đau đầu chuyện quản lý SIM trả trước ở Đông Nam Á

Dù áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, chính phủ một số nước Đông Nam Á vẫn chưa thể quản lý triệt để việc mua bán SIM trả trước
Một người bán SIM thẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tan Hui Ye
Một người bán SIM thẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tan Hui Ye

Mới đây, tờ The Straits Times đăng tải bài viết bàn về chuyện quản lý SIM trả trước tại vài nước Đông Nam Á. Mở đầu bài báo, tác giả Tan Hui Ye dẫn chuyện khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, một nhóm khách du lịch vây quanh ki-ốt để mua SIM kích hoạt sẵn khá dễ dàng, dù nhà chức trách đang siết chặt quy định về SIM trả trước.

Theo tác giả, dù Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều yêu cầu các đại lý thu thập thông tin cá nhân của người mua thẻ SIM – thậm chí khóa tài khoản của những ai không đăng ký, chúng vẫn được bán tại nhiều nơi mà không đòi hỏi thông tin gì cả.

Việc siết chặt quản lý thuê bao trả trước được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người mua sắm và dùng dịch vụ ngân hàng trên di động. Tuy nhiên, những người nhập cư, lao động thu nhập thấp và khách du lịch vẫn muốn sử dụng SIM trả trước dùng một lần khi cần thiết, đặt ra thách thức không nhỏ cho cơ quan chức năng.

Cục Viễn thông Việt Na yêu cầu chủ thuê bao khi đăng ký dịch vụ phải chụp ảnh ngoài việc xuất trình giấy tờ. Campuchia, quốc gia thực hiện chặn việc sử dụng SIM chưa đăng ký từ năm 2012, đã bắt giữ một người đàn ông tháng 2/2017 vì bán thẻ SIM mà không thu thập thông tin người dùng. Myanmar đặt ra hạn chót cho việc đăng ký vào tháng 3/2017 nhưng theo kiểm tra của The Straits Times tại Yangon tháng 6/2017, vẫn có thể mua thẻ SIM một cách dễ dàng.

Tại Thái Lan, nơi kiểm tra danh tính đã là tiêu chuẩn của các đại lý, cơ quan quản lý viễn thông thông báo hồi tháng 5/2017 rằng bất kỳ ai mua SIM trả trước tại khu vực phía Nam phải cung cấp dấu vân tay và ảnh chụp để đối chiếu với cơ sở dữ liệu. Hoạt động này sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn quốc từ năm sau. Sở dĩ như vậy vì các lực lượng ly khai ở các tỉnh biên giới miền Nam Thái Lan thường kích hoạt thiết bị nổ - nhiều vụ bằng di động – trong các cuộc tấn công chống lực lượng an ninh. Xung đột đã giết chết hơn 6.000 người từ năm 2004. Tại vài khu vực khác, điện thoại di động còn được dùng để kích nổ hàng loạt vào tháng 8/2016 tại các điểm du lịch như Hua Hin và Phuket, làm 4 người chết.

Ủy ban Phát thanh và truyền hình quốc gia Thái Lan (NBTC) cho biết có 30 thiết bị sinh trắc học đã được triển khai từ đó đến nay. Tháng 8/2017, cơ quan dự định cung cấp khoảng 20.000 thiết bị nữa cho các đại lý trên cả nước.

Không phải vụ nổ bom nào cũng sử dụng di động, song chuyên gia chống khủng bố Yaniv Peretz của Singapore nhận định khủng bố thường ưa thích loại thiết bị này vì chúng cho phép kích hoạt nổ từ khoảng cách xa.

Ngoài ra, vụ khám phá “nông trang click” gần đây tại Thái Lan cho thấy thẻ SIM có thể bị lạm dụng cho các hoạt động ngầm khác. Tháng 6/2017, cảnh sát nước này bắt giữ 3 người quốc tịch Trung Quốc trong căn phòng trọ ở biên giới Campuchia trang bị 500 smartphone và hơn 300.000 thẻ SIM. Họ nói với cảnh sát rằng được thuê để tạo các “like” ảo trên mạng xã hội WeChat, phương pháp thường được dùng để lôi kéo người mua hàng trực tuyến.

Theo ICTNews (nguồn The Straits Times)

http://ictnews.vn/vien-thong/dau-dau-chuyen-quan-ly-sim-tra-truoc-o-dong-nam-a-157349.ict