“Đất vàng” 69 Nguyễn Du: Đường về tay Khoáng sản Hợp Thành

VietTimes -- Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn (T2/2017), ông Lê Hồng Thái đã triệt thoái vốn tại Khoáng Sản Hợp Thành. Trước đó, trong năm 2015, Khoáng Sản Hợp Thành đã thế chấp lô “đất vàng” 69 Nguyễn Du (Hà Nội) để vay vốn từ một nhà băng.
Khu "đất vàng" 69 Nguyễn Du (Ảnh: Internet)
Khu "đất vàng" 69 Nguyễn Du (Ảnh: Internet)

Hôm qua (8/4), ông Bùi Ngọc Lam (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - TTCP) đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Thời kỳ thanh tra là từ khi chuẩn bị thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến 30/3/2020; thời gian thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất vài tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên.

Hồi năm 2012, “khu đất vàng” 69 Nguyễn Du cũng đã được TTCP đề cập tới trong kết luận thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đường về Khoáng sản Hợp Thành

Theo đó, “Khu đất vàng" 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, có diện tích 569,7 m2. Khu đất đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Tp. Hà Nội bán chỉ định cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC - Mã CK: PVX) để xây dựng trụ sở làm việc theo văn bản số 1665/TTg-KTN ngày 6/10/2008 (do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký thay Thủ tướng).

Tới ngày 21/5/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục thay mặt Thủ tướng ký văn bản số 762/TTg-KTN về việc thực hiện văn bản số 1665/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, UBND Tp. Hà Nội đã thực hiện thu hồi căn biệt thự để giao cho PVC cải tạo làm trụ sở, thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.

PVC đã lập dự án với tên gọi "Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du", có diện tích đất là 596,7 m2, diện tích xây dựng công trình 406,2 m2, quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2, với tổng vốn đầu tư là 130 tỷ đồng. Trong đó, 45% là vốn tự có, còn lại là vay tín dụng thương mại.

Về hiệu quả đầu tư, PVC cho biết dự án sẽ mang lại lợi nhuận bình quân 10,9 tỷ đồng/ năm, NPV là 2.823 tỷ đồng, IRR đạt 12,29%. Thời gian hoàn vốn là 9 năm. Dự án dự kiến khởi công đầu năm 2009, thời gian thi công và xây lắp toàn bộ công trình từ 15 - 18 tháng.

Tuy nhiên, theo kết luận của TTCP, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Khoáng sản Hợp Thành) với giá 95,9 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, do thời gian và nội dung thanh tra được quy định, cùng với việc Công an TP. Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du nên TTCP không đi sâu xác minh.

Khoáng sản Hợp Thành và những thương vụ nổi bật

Đối với những ai quan tâm tới những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa CTCP Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn - Mã CK: QNP), cái tên Khoáng sản Hợp Thành đã không còn quá xa lạ.

Cựu cổ đông sáng lập và từng là người đại diện cho Khoáng sản Hợp Thành - ông Lê Hồng Thái - cũng có nhiều mối liên hệ với nhóm Trịnh Xuân Thanh tại PVC.

Ông Lê Hồng Thái (bên trái) làm đại diện cho Cty Khoáng sản Hợp Thành tiếp nhận Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần tại Cảng Quy Nhơn (Ảnh: Báo Bình Định)
Ông Lê Hồng Thái (bên trái) làm đại diện cho Cty Khoáng sản Hợp Thành tiếp nhận Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần tại Cảng Quy Nhơn (Ảnh: Báo Bình Định)

Được biết, ông Thái đã có 2 năm làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khi Imico (PVC Imico) - đơn vị thành viên của PVC. Tháng 9/2010, cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh đã ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Ủy viên HĐQT của PVC.

Sau khi Khoáng sản Hợp Thành nắm giữ cổ phần chi phối, cuối năm 2015, QNP đã thông qua CTCP Quản lý quỹ Sao Vàng rót 100 tỷ đồng vào CTCP Việt Xuân Mới (Việt Xuân Mới). Đáng chú ý, Việt Xuân Mới cũng có nhiều mối liên hệ với Khoáng sản Hợp Thành.

Để rồi vào năm 2016, Việt Xuân Mới đã được Bộ GTVT lựa chọn để thoái 51% vốn tại Cảng Vinalines Đình Vũ - nơi Khoáng sản Hợp Thành nắm giữ 24,27% vốn điều lệ.

Việt Xuân Mới cùng 5 nhà đầu tư khác thành lập CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) đầu tư dự án nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng.

Trong số các doanh nghiệp tham gia góp vốn, có Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - pháp nhân có nhiều mối liên hệ tới ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”).

Năm 2015, liên danh Việt Xuân Mới, Yên Khánh cùng PVC Imico đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án BOT Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có vốn đầu tư 3.181 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, Khoáng sản Hợp Thành đã thế chấp các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của thửa đất hoặc của hạ tầng kỹ thuật trên đất) tại lô đất 69 Nguyễn Du tại một ngân hàng. 

Ngoài ra, Khoáng sản Hợp Thành cũng từng gây xôn xao khi muốn đổi ngang 8.000 m2 "đất vàng" trụ sở Bộ Giao thông Vận tải tại 80 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tới tháng 3/2017, ngay sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương có ý kiến yêu cầu xem lại quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại QNP, ông Lê Hồng Thái đã bán hết số cổ phần nắm giữ, tương đương 45% vốn, tại Khoáng sản Hợp Thành./.