Đất làng Đông Anh giá 200-300 triệu đồng/m2 vẫn khan hàng, chủ nhà sợ hớ không bán

(VietTimes) – Bất động sản Đông Anh (Hà Nội) đang có sóng mới khi giá tăng 30-40% so với đầu năm 2024, cá biệt tại một xã ghi nhận mức giá nhà đất lên tới 300 triệu đồng/m2.
Đất Đông Anh lên tới 300 triệu đồng/m2: Nhiều tay to đi “săn”, chủ nhà găm hàng. Ảnh: Lệ Chi

Nhà đất Đông Anh thiết lập giá mới

Những ngày gần đây, thị trường bất động sản Đông Anh trở nên nhộn nhịp sau thông tin Vingroup khởi công dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và dự án cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh có động thái mới khi TP.Hà Nội muốn khởi công trong năm nay.

Theo ghi nhận của PV VietTimes, tại các xã Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh) ghi nhận giá tăng cao nhất khi lượng môi giới và nhà đầu tư đổ về khảo sát và tìm hiểu nhà đất khá nhiều.

Đặc biệt, tại 2 phân khu liền kề có tên gọi Thịnh vượng và Tinh hoa nằm trong dự án Vinhomes Global Gate Đông Anh đang trở thành tâm điểm trên thị trường bất động sản phía Bắc khi có mức giá dự kiến gây sốc từ 300-350 triệu đồng/m2, diện tích 75 – 85m2.

Sức nóng của dự án án Vinhomes Global Gate Đông Anh kéo theo bất động sản xung quanh khu vực tăng mạnh.

Khảo sát thực tế của PV VietTimes tại xã Xuân Canh, nơi dự án Vingroup vừa khởi công, ghi nhận mức giá tăng mạnh nhất. Giá đất mặt đường Xuân Canh hiện tại 120-140 triệu đồng/m2; đất trong ngõ 80-97 triệu đồng/m2 trong khi cách đây vài tháng giá chỉ 60-65 triệu đồng/m2.

Cá biệt, một lô góc diện tích gần 130m2 mặt tiền 8m tại xã Xuân Canh đang được chủ nhà rao bán 197 triệu đồng/m2. Chủ nhà cho biết, lô đất này sát vách dự án, view nhìn ra cầu Tứ Liên trong tương lai và gần sông Hồng.

“So với giá một dự án đang rao dự kiến 300 triệu đồng/m2 thì giá mảnh đất này chưa đến 200 triệu đồng/m2 là rẻ”, chủ này nói.

Một người dân cho biết thêm, giá đất Xuân Canh tăng mạnh nhất từ năm 2021 - 2022, vào thời điểm Hà Nội thông tin quy hoạch Đông Anh lên quận, quy hoạch sông Hồng, xây dựng cầu Tứ Liên, nhiều người đổ về mua và kỳ vọng cầu hoàn thiện sẽ dễ dàng đi sang Hồ Tây. Sau giai đoạn này lại vắng bóng, cho đến nửa đầu năm 2024, mới có nhiều người đến tìm mua.

Giá đất tại xã Xuân Canh - sát nơi có dự án vừa khởi công - ghi nhận mức giá tăng mạnh nhất. Giá đất mặt đường rộng 120-140 triệu đồng/m2; đất trong ngõ 80-97 triệu đồng/m2. Ảnh: Lệ Chi

Tương tự, tại các xã Đông Hội, Mai Lâm sát dự án Vingroup vừa khởi công, giá nhà đất cũng tăng nhanh.

Anh Toàn - môi giới bất động sản tại khu vực này cho biết, giá đất 2 mặt tiền đường Đông Hội (thôn Trung Thôn) sát vách dự án Vinhomes Cổ Loa hiện tại đã lên 230-240 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm ngoái chỉ khoảng 130-150 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, anh Toàn cho biết mặc dù giá lên cao nhưng dãy nhà 2 mặt tiền này không có ai bán.

Anh Toàn thông tin, một lô đất 91,5m2 nằm trong ngõ mặt tiền 4m thôn Trung Thôn, vừa được giao dịch thành công với giá 195 triệu đồng/m2. Còn các lô trong ngõ cách dự án Vinhomes Cổ Loa khoảng vài trăm mét đều có giá trên 80 triệu đồng/m2.

Khảo sát tại xã Mai Lâm cho thấy giá đất thôn Lê Xá - nơi có khu đất đấu giá, có mức giá cao nhất. Một số khu đất dịch vụ Lê Xá tăng cao lên 135-150 triệu đồng/m2.

Ngoài giá đất xung quanh dự án Vinhomes Cổ Loa tăng, tại các xã sát dự án Thành phố thông minh của BRG cũng ghi nhận tăng cao.

Ông Nguyễn Bá Minh, một người dân sống hơn 40 năm tại thôn Phương Trạch (xã Vĩnh Ngọc) cho biết, đầu năm 2024, giá trong ngõ sâu chỉ 60 triệu đồng/m2 thì nay lên 80 triệu đồng/m2.

Đối với đất mặt tiền rộng ở Phương Trạch, ông Minh cho hay, mức giá hiện tại khoảng 190-210 triệu đồng/m2, đất mặt tiền 4m khoảng 140-160 triệu đồng/m2. Song, ông nói “không có một ai bán”.

Giá đất mặt tiền lớn tại thôn Phương Trạch (xã Ngọc Chi) sát dự án Thành phố thông minh của BRG khoảng 190-210 triệu đồng/m2; mặt tiền 4m khoảng 140-160 triệu đồng/m2; đất ngõ sâu trên 80 triệu/m2. Ảnh: Lệ Chi

Trong khi đó, ông Hào - một người dân tại thôn Ngọc Chi - cũng cho biết, Vĩnh Ngọc đang là xã có giá đất cao nhất ở khu vực Đông Anh. Hiện có một dãy nhà đất mặt tiền chỉ vài chục hộ sinh sống và kinh doanh tại trục đường chính sầm uất nhất thôn Ngọc Chi, sát chân cầu Nhật Tân có giá bán lên tới 300 triệu đồng/m2.

Một người thân của ông Hào mua một lô đất ở đây vào năm 2014 với giá 67,5 triệu đồng/m2, nay đang xây dựng tòa nhà văn phòng để cho thuê. Giá nhà đất tại mặt tiền này vào đầu năm nay rơi vào khoảng 250-260 triệu đồng/m2.

Chủ nhà "găm hàng" vì sợ hớ

Là môi giới lâu năm tại khu vực Đông Anh, anh Nguyễn Thành, cho biết giá đất nền tại Đông Anh đang có sóng mới khi giá tăng 30-40% so với thời điểm đầu năm 2024, thậm chí có khu vực tăng 60-70%. Nhìn chung đất nền tại các xã đều tăng, trong đó xã giáp với dự án Vinhomes Cổ Loa tăng nhiều nhất. Nhìn chung, hiện chỉ còn xã Tiên Dương, Vân Nội đang có mức giá đất nền trong ngõ sâu mềm nhất, dao động khoảng 40-55 triệu đồng/m2.

Cũng theo anh Thành, nhiều nhà đầu tư đi “săn” nhưng ít nguồn hàng để chọn. Đặc biệt, giá đất đang tăng nên nhiều chủ nhà “quay xe” không bán vì sợ hớ.

“Nhiều chủ nhà đang găm hàng để chờ giá các dự án lớn. Khi chủ đầu tư bán hết hàng, lúc đấy nhà đầu tư mới bung ra”, anh Thành nhìn nhận và nói bản thân anh cũng đang trong tình trạng không có hàng để bán, dù lượng khách hỏi nhiều.

“Nhiều người giàu đi xe sang đến tìm mua nhà đất xung quanh các dự án nhưng không có ai bán”, ông Nguyễn Tuấn Nam, một người dân tại xã Vĩnh Ngọc nói.

Nhìn lại giai đoạn “sốt đất” từ năm 2020 đến đầu năm 2022, giá đất tại Đông Anh đã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, thị trường đất nền chững lại, xuất hiện một bộ phận nhà đầu tư gặp áp lực tài chính phải giảm giá bán từ 20 - 30%. Song từ cuối năm 2023 đến nay, đất nền khu vực này bắt đầu xuất hiện làn sóng tăng giá trở lại ở một số khu vực, nơi có dự án khu đô thị lớn đang triển khai hay vị trí gần cầu Tứ Liên sắp xây.

Dãy nhà đất mặt tiền chỉ vài chục hộ dân tại trục đường chính sầm uất nhất thôn Ngọc Chi, sát chân cầu Nhật Tân có giá bán lên tới 300 triệu đồng/m2. Ảnh: Lệ Chi

Làn sóng tăng giá nhà đất kéo theo giá dự án chung cư tại Đông Anh tăng mạnh. Đơn cử, tại chung cư Intracom Riverside, giá căn hộ đã lên đến 51-53 triệu đồng/m2, tăng gấp 3 so với lần mở bán đầu tiên vào năm 2016-2017 khi giá 15-17 triệu đồng/m2. Tương tự, dự án Eurowindow River Park cũng tăng sốc lên 50 triệu đồng/m2, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái giá chỉ 25 - 27 triệu đồng/m2.

Hạ tầng hoàn chỉnh, giá nhà đất tăng là bình thường

Dữ liệu công bố mới đây của kênh Batdongsan cho thấy, nửa đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận lượt tìm kiếm các loại đất bán tăng 118% so với cùng kỳ. Đầu năm, thị trường Thủ đô từng sốt cục bộ đất nền, thổ cư tại các huyện vùng ven và ngoại thành với nhu cầu tìm kiếm tăng vọt.

Trong quý I, mức độ quan tâm đất nền tăng mạnh tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức. Chỉ số này gần chạm đến mức quan tâm của quý I/2022 - giai đoạn thị trường bất động sản sôi động.

Sang quý II, kênh này cho biết đất nền vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực với mức độ quan tâm tăng 33% so với quý I/2021. Riêng đất nền Đông Anh ghi nhận giá bán và mức độ quan tâm tăng trưởng mạnh nhất trong số các huyện vùng ven Hà Nội. So với quý trước đó, giá bán đất nền Đông Anh tăng 24%, mức độ quan tâm tăng 104%.

Theo khảo sát của batdongsan.com.vn, đất nền Đông Anh đang có sự tăng trưởng mạnh về giá. Đất Đông Trù, Lễ Pháp, Tiên Dương, Uy Nỗ, Đông Hội… có vị trí mặt đường lớn kinh doanh đang có giá chào bán 170 - 220 triệu/m2, trong khi cuối năm ngoái mức giá chỉ dao động 130 - 160 triệu/m2.

Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, nhìn nhận giá đất Đông Anh hiện nay đang lên cao. Nếu như Đông Anh xong cầu Tứ Liên kết nối sang Tây Hồ thì rõ ràng sẽ rất thuận lợi cho các khu vực xung quanh. Khi hạ tầng hoàn chỉnh, giá lên cao là hợp lý chứ không phải tự nhiên tăng.

Xét về vĩ mô, ông Điệp cho rằng có nhiều yếu tố khiến giá bất động sản lên mức cao. Thứ nhất, Việt Nam đang ở giai đoạn đô thị hóa cao, nhu cầu để ở và đầu tư lớn. Thứ hai, dòng tiền trong nước hiện chưa đổ vào kênh nào ngoài bất động sản. Thứ ba, nhiều dự án đang mắc kẹt, còn những dự án lớn triển khai được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thứ tư, cung không đủ cầu nên khi một số doanh nghiệp lớn độc quyền nguồn cung thì họ tự chủ động về mức giá. Thứ năm, đại bộ phận những người có tiền đều mua và đầu cơ bất động sản mà không cần dùng đòn bẩy.

Muốn giải quyết vấn đề về giá, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng cần có cơ chế chính sách và nguồn lực.