Kết quả đấu giá đất diễn ra tại một số huyện vùng ven của Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức đã làm “nóng” dư luận khi số lượng hồ sơ tham gia đấu giá rất lớn. Hơn nữa, giá trúng đấu giá cũng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và cao bất thường so với mặt bằng giá chung của thị trường đất đai tại những nơi đấu giá đó.
Rà soát, xử lý hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ
Tại văn bản 5155 vừa gửi tới các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Trong đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh thời gian gần đây, tại Hà Nội, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa phương; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường; thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền.
Tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua; chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương nhằm đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
"Tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; các dự án bất động sản đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản", công văn của Bộ Xây dựng gửi các tỉnh thành nêu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phát hiện có kẽ hở
Trong khi đó, thông tin tại buổi họp báo ngày 5/9 về kết quả kiểm tra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, cho biết việc tổ chức, tiến hành đấu giá đất được thực hiện nghiêm túc, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, có sự vào cuộc của UBND và các cơ quan chức năng địa phương, có sự giám sát của nhiều cơ quan; đặc biệt có sự tham gia của lực lượng công an để tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
Do khối lượng hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Oai và Hoài Đức rất lớn nên cần phải kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng. Ví dụ như việc đấu giá đất ở Thanh Oai có tới 4.500 hồ sơ đăng ký đấu giá.
“Chúng tôi phải xem xét các căn cứ tiến hành đấu giá, phương án đấu giá, xác định giá và các văn bản liên quan. Do khối lượng công việc rất lớn nên cần xem xét kỹ lưỡng", ông Trường thông tin.
Theo ông Trường, bước đầu có thể nhận định, quá trình tổ chức đấu giá được thực hiện nghiêm túc. Còn giá khởi điểm đầu vào thấp cần phải xem xét đầy đủ các quy định pháp luật tại thời điểm khi địa phương xây dựng phương án giá, tổ chức đấu giá là thời điểm giao thoa giữa 2 luật (Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024) có nhiều nội dung giao thoa.
Trước băn khoăn về kẽ hở pháp luật liên quan đến đấu giá đất tại Hà Nội, ông Chu An Trường cho biết, quy định đấu giá của pháp luật đất đai hay xác định giá khởi điểm chưa có đủ căn cứ, cơ sở để khẳng định là có kẽ hở. Về chỉ đạo chung, văn bản quy định pháp luật, cũng như hướng dẫn luật đều nêu rõ trường hợp đấu giá, xác định giá…
Trao đổi thêm vấn đề này tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, khẳng định, đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phát hiện có kẽ hở từ vấn đề chính sách liên quan đến quá trình đấu giá đất kể trên.
Hiện nay, đoàn kiểm tra chưa có kết luận tìm ra cụ thể nguyên nhân khách quan và chủ quan, tìm lý do, bản chất của vấn đề này nên chưa thể đưa ra khuyến cáo.