Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số "do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức. Diễn đàn giúp các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí truyền thông cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá lại thực trạng về công tác báo chí, truyền thông, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số báo chí, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nói rõ mục đích của việc tổ chức Diễn đàn để thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024”. Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”, nhằm trao đổi đánh giá thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông hiện nay; những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới; những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0; đưa ra thông điệp và những giải pháp về đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định, dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong xu thế công nghệ mới.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho biết thêm, Dự án là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu sự hỗ trợ phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hoà nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: “Sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như thách thức và đang làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có báo chí, truyền thông. Thực tế, nguồn lực báo chí truyền thông hiện nay hầu hết chủ yếu được đào tạo theo hình thức truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số”.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí, rồi đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới.