"Giải mật" Ngoại hạng Anh
Trong cuốn sách The Club (Giải mật Ngoại hạng Anh), hai tác giả Joshua Robinson và Jonathan Clegg mô tả ông chủ Levy là người mặc cả chắc lép nhất, bòn mót từng đồng mỗi khi bán cầu thủ và nhờ đó mà Tottenham có đủ tiền để xây sân vận động mới 1 tỷ đồng. Nên nhớ tại Tottenham, ông Levy trên thực tế chỉ là một vị chủ tịch làm thuê.
Ông chủ thực sự của CLB này là Joe Lewis, một tỷ phú đầu cơ đã chuyển sang Bahamas nằm trong Đại Tây Dương, ở phía đông Hoa Kỳ sinh sống để né thuế và ông chọn một cấp dưới thân tín, một chuyên gia về đầu tư để quản lý đội bóng. Việc đầu tiên mà Levy làm khi tiếp quản Tottenham là tự tay nắm việc chuyển nhượng và sớm nổi tiếng bởi các thương vụ “củ hành, củ tỏi” bên mua cho đến khi say đòn, móc hầu bao mới xong.
The Club (Giải mật Ngoại hạng Anh) |
Cựu giám đốc điều hành của CLB Dinamo Zagreb, ông Zdravko Mamic kể lại trên Four Four Two (năm 2019) câu chuyện khi Zagreb bán Luka Modric cho Tottenham. Khi đó, ông Mamic xin Levy 5 chiếc áo đấu của tiền vệ này làm kỷ niệm. Tottenham gửi về đúng số lượng như vậy, nhưng đó không phải quà tặng đáp lễ của đội bóng London. Levy trừ vào giá chuyển nhượng (23 triệu euro) của tiền vệ người Croatia.
HLV Alex Ferguson từng kể về ông chủ của CLB Tottenham thế này: "Các cuộc đàm phán với Tottenham luôn diễn ra rất khó khăn và kéo dài hàng thế kỷ. Tôi nhớ rất rõ là khi mọi thứ tưởng như đã xong rồi, David Gill gọi điện cho tôi và nói họ muốn kỳ kèo thêm tý tiền. Chuyện thường thấy ở Daniel Levy”.
MU thời Sir Alex mua cầu thủ từ Tottenham của Levy 2 lần. Không quá ngạc nhiên đó là 2 trong 5 thương vụ bán cầu thủ đắt giá nhất lịch sử của Spurs. Câu chuyện mà HLV Ferguson nhắc đến phía trên là khi Quỷ đỏ chiêu mộ Michael Carrick vào năm 2006. Tottenham mua tiền vệ người Anh từ West Ham trước đó 2 năm với giá 4,1 triệu euro, rồi bán lại cho MU để lấy về số tiền gấp gần 4 lần.
Daniel Levy tỏ ra cáo già trong các vụ chuyển nhượng Gareth Bale (sang Real Madrid), Dimitar Berbatov (sang MU) và Luka Modric (sang Real Madrid). Ông ma mãnh làm cho bên mua phát thèm và Tottenham chỉ để Bale và Berbatov ra đi trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng, Modric sớm hơn 3 ngày. Cả Real Madrid và MU đều chẳng thể mặc cả được đồng nào với Daniel Levy, keo từng xu.
Luka Modric cũng từng nhắc đến một "thỏa thuận quý ông" khi muốn chuyển đến Chelsea vào năm 2011. Đội chủ sân Stamford Bridge đưa ra mức giá 40 triệu Bảng trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng. Levy từ chối và Modric phải ở lại Tottenham thêm một năm.
Đối với ông bầu Daniel Levy, không có cầu thủ nào của Tottenham thuộc diện không thể bán, vấn đề là giá bao nhiêu? Ảnh AP. |
Khi mua Gareth Bale vào năm 2013, Real Madrid không chỉ đơn thuần đặt 100 triệu euro lên bàn đàm phán. Daniel Levy đã chuẩn bị cho cuộc thương thảo này bằng việc gia hạn hợp đồng với cầu thủ người Xứ Wales tới 7 lần trong 6 năm, để đảm bảo rằng Spurs "nắm ưu thế tuyệt đối trên bàn đàm phán", theo lời Joshua Robinson và Jonathan Clegg viết trong cuốn The Club.
Kịch bản nào cho Man City?
Tiền đạo Harry Kane đã công khai ý định ra đi và làm đủ cách gây sức ép lên ban lãnh đạo đội bóng. Tottenham thừa hiểu họ chẳng thể giữ chân ngôi sao 28 tuổi. Nhưng Daniel Levy sẽ đảm bảo rằng đội bóng của ông ta sẽ không chịu thiệt một xu nào trong thương vụ này. Đối với Daniel Levy, không có cầu thủ nào của Tottenham thuộc diện không thể bán, vấn đề là giá bao nhiêu. Levy định giá Harry Kane mùa hè này là 160 triệu Bảng.
Thời gian đàm phán luôn là một lợi thế đứng về phía Tottenham. Levy không bao giờ hấp tấp, vội vàng, nhất là khi hợp đồng của cầu thủ vẫn còn nhiều hơn một năm. Cộng thêm trận đấu giữa 2 đội trong ngày Super Sunday đầu tiên của mùa giải, khi Spurs không có Kane đánh bại Man City với tỉ số 1-0, sức ép dành cho nhà đương kim vô địch Man City lại càng lớn hơn. Muốn chiêu mộ được Harry Kane, Manchester City phải vượt qua một cửa ải thuộc loại khó nhất trong các cuộc đàm phán chuyển nhượng. Họ phải chi đủ 160 triệu Bảng hoặc ra về tay trắng, đó là kịch bản có sẵn.
Theo Goal