|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình trước Quốc hội. |
Sau sự việc cụ bà Đỗ Thị Mơ ở thôn Lương Thiện đã 83 tuổi đạp xe lên UBND xã Lương Sơn (Thường Xuân, Thanh Hóa) để xin với chính quyền cho ra khỏi danh sách hộ nghèo hồi tháng 9 vừa qua khiến bao người nể phục vẫn còn âm vang trong xã hội, thì nay lại đến tấm gương tự nguyện xin trả lại sổ cận nghèo của chị Trang Hồng Yến (sinh năm 1973), ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang (Thoại Sơn, An Giang). Trước đó, vào đầu năm 2019, chị Yến còn chủ động từ chối cả khoản tiền địa phương hỗ trợ sửa chữa nhà do xuống cấp.
Bà Nguyễn Thị Năm ở xã Hùng Dũng (Hưng Hà, Thái Bình) nhận định, đây là những con người có lòng tự trọng cao rất đáng học hỏi, nhân rộng trong xã hội.
Tuy nhiên bà Năm cũng trăn trở khi nói lên suy nghĩ của mình: Hiện tại, thực trạng lối sống chạy theo vật chất, quyết đạt lợi ích bằng mọi giá đã ăn sâu trong não bộ của nhiều người, nhiều hộ gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Thế nên, rất cần xuất hiện những tấm gương nêu cao tự trọng như cụ Mơ, chị Yến để nhân rộng trong cộng đồng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có lẽ chính lòng tự trọng và quyết tâm thoát nghèo của nhiều hộ gia đình như cụ Mơ, chị Yến đã giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về xóa nghèo của Liên hợp quốc trước thời hạn 10 năm.
Khi nhìn vào tấm gương của hai phụ nữ trả lại hộ nghèo và cận nghèo thì thấy họ có đặc điểm chung là chồng mất sớm và phải một mình lao động vất vả để kiếm tiền nuôi con bằng những công việc hết sức lương thiện. Họ chính là một trong những điển hình vươn lên trong cuộc sống khốn khó này.
Trái ngược với tấm gương tự trọng xin được thoát nghèo đã kể trên thì trong xã hội chúng ta, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng nhiều hộ gia đình, trong đó có cả gia đình cán bộ cơ sở tìm mọi cách để kiên quyết được là “hộ nghèo”. Mục đích của họ là gì nếu không ngoài việc được nhận hỗ trợ của Nhà nước.
Theo dõi thông tin các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây thì thấy rằng, nhiều cử tri đã rất bức xúc trước hiện tượng người thân, người quen trong gia đình cán bộ được công nhận là "hộ nghèo", trong khi mức thu nhập và điều kiện sống của những hộ gia đình ấy lại hơn hẳn mặt bằng chung. Điều này đã cho thấy một vấn đề quan trọng là tính dân chủ trong việc bình xét "hộ nghèo" ở các địa phương chưa thật thận trọng, chính xác, thậm chí còn có biểu hiện thiên vị.
Đối lập với tấm gương về sự tự lực, tự trọng của cụ Mơ và chị Yến ở trên thì trong xã hội chúng ta còn tồn tại quá nhiều những kẻ mang danh cán bộ, người Nhà nước nhưng lại tìm mọi cách để ăn bẩn, tham ô, tham nhũng, moi tiền ngân sách, tiền của nhân dân làm của riêng.
Gần đây nhất là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Minh Liễu, Kế toán trưởng và Trần Thị Huệ, Thủ quỹ cùng công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ về tội tham ô tài sản. Theo thông tin của cơ quan chức năng, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, hai đối tượng này đã nhiều lần rút tiền với tổng số hơn 26,5 tỷ đồng của cơ quan để chi tiêu cá nhân và không có khả năng chi trả.
Không thể liệt kê hết con số, vụ việc cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vu, quyền hạn để tham ô, tham nhũng đã bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người trong xã hội bi quan và mất niềm tin, phương hướng.
Trong phát biểu giải trình tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ tám (Quốc hội khóa XIV) đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam”.
Điều ấy quả đúng để làm nên sức mạnh, để hướng tới có thể làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội - văn hóa của Việt Nam theo hướng tích cực nếu có thêm điều kiện là sự tự trọng của mỗi người được khơi dậy.
Đánh thức tiềm năng tự trọng trong mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hiện nay là việc rất khó và không phải bằng những biện pháp tuyên truyền, hô hào chung chung theo kiểu làm phong trào.
Chính phủ, Nhà nước phải quyết liệt hành động để kiểm soát tốt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương trên tinh thần kỷ luật công vụ và pháp luật hiện hành. Chỉ khi nào Chính phủ tinh gọn được bộ máy, kiểm soát được con người trong bộ máy và xử lý dứt điểm hiện tượng “đối phó”, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương thì đất nước mới có được đà phát triển tốt.
Mong rằng những điều ấy sớm được quyết liệt triển khai để trở thành động lực, sức mạnh phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong tương lai gần. Như vậy, tự trọng sẽ được đề cao và cái tốt, cái đẹp trong xã hội sẽ ngày càng nhiều hơn.