"Danh hài Chí Tài nếu được phát hiện kịp thời và phục hồi chức năng tốt, chưa chắc ra đi đột ngột"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Nhiều bệnh nhân nhờ được kết hợp điều trị với phục hồi chức năng (PHCN), đã nhanh chống trở lại cuộc sống bình thường, mà bệnh nhân 91 – tức phi công người Anh mắc COVID-19 là một điển hình. Diễn viên Chí Tài nếu được phát hiện kịp thời và được PHCN tốt, chưa chắc đã ra đi đột ngột thế!

Các thầy thuốc đang tập vận động kết hợp với điều trị cho bệnh nhân 91 để sớm hồi phục sức khỏe (ảnh: Bộ Y tế)
Các thầy thuốc đang tập vận động kết hợp với điều trị cho bệnh nhân 91 để sớm hồi phục sức khỏe (ảnh: Bộ Y tế)

Đó là ý kiến về vai trò quan trọng của PHCN trong chăm sóc y tế mà PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định tại hội nghị tổng kết công tác PHCN do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 16/12.

Trong bối cảnh Việt Nam có tới khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, thì vai trò của PHCN càng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam; dân số Việt Nam già hóa nhanh chóng với tỉ lệ người cao tuổi 11,9%, chưa kể khoảng 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; cùng số người tàn tật do tai nạn giao thông, lao động, thiên tai, thảm họa…nên thiếu PHCN thì người bệnh sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định vai trò của PHCN trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định vai trò của PHCN trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân

Thực tế cho thấy, nhờ được PHCN, nhiều bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật, để khỏe mạnh và lao động trở lại. Nhờ PHCN đều đặn, có cụ già ở Đà Nẵng hiện 105 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nhiều địa phương làm tốt công tác PHCN, góp phần “cải thiện tình trạng khuyết tật, sức khỏe của các bệnh nhân, với việc khám sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm, cung cấp dụng cụ trợ giúp vận động, dịch vụ chăm sóc y tế, kỹ thuật PHCN tại nhà cho tất cả nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật…” như ông Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho hay.

Bệnh viện PHCN – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cũng chủ động phát triển chuyên sâu và toàn diện về PHCN ở nhiều lĩnh vực như tâm lý lâm sàng, laser trị liệu, Y học thể thao, PHCN kỹ thuật cao; PHCN cho bệnh nhân ung thư, ngân hàng tế bào gốc; PHCN và tạo hình bệnh nhân bỏng …Theo TS. Phan Minh Hoàng, Bệnh viện định hướng tiếp tục hoàn thiện danh mục kỹ thuật PHCN xứng tầm bệnh viện chuyên khoa hạng I về PHCN.

Hội nghị tổng kết công tác PHCN do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 16/12

Hội nghị tổng kết công tác PHCN do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 16/12

Tuy nhiên, lĩnh vực PHCN trong cả nước chưa phát triển xứng tầm. Theo đại diện Cục quản lý Khám, chữa bệnh, nguyên nhân này trước hết là do lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng một số địa phương chưa hiểu rõ vai trò quan trọng của PHCN, nên chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho PHCN; hiện chưa có đầy đủ dữ liệu minh chứng hiệu quả và chất lượng điều trị của PHCN, hiệu quả kinh tế của PHCN. Nhân lực PHCN còn mỏng, thiếu bác sỹ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên khoa, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở. Hoạt động chuyên môn của một số bệnh viện/cơ sở PHCN chưa cao. Hệ thống tổ chức các cơ sở bệnh viện PHCN dần thu hẹp do sáp nhập vào các cơ sở khác, càng đẩy lĩnh vực PHCN vào thế khó.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc COVID-19 (ảnh: HNM)

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc COVID-19 (ảnh: HNM)

Thực tế cho thấy, bất chấp việc Bộ Y tế đã có Thông tư khẳng định “không có mô hình bệnh viện học cổ truyền (YHCT)” - PHCN tuyến tỉnh” và có văn bản đề nghị UBND các tỉnh “không sáp nhập bệnh viện PHCN vào bệnh viện YHCT”, thì có hàng loạt địa phương vẫn đã và đang sáp nhập bệnh viện PHCN vào bệnh viện YHCT, như Gia Lai, Quảng trị, Phú Thọ, Kon Tum, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bình Thuận, Bình Định, Cà Mau, Ninh Thuận và hiện, Lào Cai cũng đang rục rịch.

Trước tình hình các bệnh viện PHCN ngày càng “teo” lại một cách nghiêm trọng, Hội PHCN Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cùng tỉnh Lào Cai để kiến nghị “Không nên sáp nhập bệnh viện bệnh viện y học cổ truyền vào bệnh viện PHCN” nhằm ổn định và phát triển ngành PHCN, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với các mạng, người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, đặc biệt là thực hiện Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật, quyền trẻ em khuyết tật mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của ông Lương Ngọc Khuê về việc ngành PHCN đang có vai trò ngày càng lớn trong xã hội, nhiều nơi tư nhân đã làm rất tốt, thu nhập cao, thì không ít đơn vị PHCN công lập còn phát triển èo uột. Điều này đòi hỏi các thầy thuốc phải tự vươn lên để khẳng định mình, bằng trình độ, chuyên môn, bằng năng lực quản trị sáng tạo để xã hội và địa phương phải thừa nhận vị thế quan trọng của ngành PHCN trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân.