Đang lúc nóng bỏng, đương kim và cựu Tổng thống Ukraine đấu đá nhau quyết liệt, phương Tây lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vào thời điểm mà Mỹ phương Tây đang cường điệu vấn đề quân đội Nga áp sát biên giới Nga - Ukraine, cuộc chiến kịch liệt giữa tân và cựu tổng thống Ukraine rõ ràng không phải là điều họ muốn thấy.
Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và đương kim Tổng thống Zelensky đấu đá nhau quyết liệt khiến Mỹ và phương Tây lo lắng (Ảnh: Reuters).
Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và đương kim Tổng thống Zelensky đấu đá nhau quyết liệt khiến Mỹ và phương Tây lo lắng (Ảnh: Reuters).

Ngày 17/1, cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã từ Warsaw trở về Ukraine, đối mặt với cáo buộc phản quốc, các công tố viên yêu cầu nộp 35 triệu USD tiền bảo lãnh. Ông Poroshenko nói rằng các cáo buộc mang động cơ chính trị.

Poroshenko được hàng nghìn người ủng hộ chào đón khi ông tới Kiev trên chuyến bay từ Warsaw. Ông là tổng thống Ukraine từ năm 2014 đến năm 2019.

Poroshenko nói với những người ủng hộ tại sân bay rằng ông trở lại Ukraine để giúp đất nước đối mặt với "mối đe dọa xâm lược ngày càng tăng của Nga."

"Chúng ta ở đây không phải để bảo vệ Poroshenko. Chúng ta ở đây để đoàn kết bảo vệ Ukraine", ông nói với những người ủng hộ ra đón mình.

Từ sân bay ông Poroshenko đã đến thẳng một tòa án ở Kiev, nơi các công tố viên buộc tội ông phản quốc, cáo buộc ông sử dụng trái phép tiền bán than để tài trợ cho lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn vào năm 2014 và 2015. Nếu bị kết tội, Poroshenko có thể bị kết án 15 năm tù giam.

Ông Poroshenko phát biểu trước những người ủng hộ đón ông tại sân bay Kiev (Ảnh: AP).

Ông Poroshenko phát biểu trước những người ủng hộ đón ông tại sân bay Kiev (Ảnh: AP).

Poroshenko nói rằng các cáo buộc ông có động cơ chính trị. Ông chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelensky sử dụng chúng để chuyển hướng sự chú ý của quốc gia khỏi việc ông không hoàn thành chức trách lãnh đạo chính phủ.

Trong khi đó, Ukraine đang đối đầu căng thẳng với nước láng giềng Nga. Hàng chục nghìn binh sĩ Nga đã tập trung gần biên giới Ukraine, khiến Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công.

Một phái đoàn Mỹ đã đến thăm Kiev vào cùng ngày 17/1 để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine trong tình thế đối đầu. Thượng nghị sĩ Mỹ đảng Dân chủ Amy Klobuchar nói với các nhà báo: “Chúng tôi, những người Dân chủ và Cộng hòa có quan điểm chính trị khác nhau đến đây để nói rằng chúng tôi đứng về phía Ukraine. Nếu Putin chọn con đường gian trá chống dân chủ, xâm lược Ukraine, sẽ có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và nhanh chóng.”

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin Cramer nói: "Nếu xảy ra chuyện, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng yên. Chúng tôi muốn ngăn điều đó xảy ra. Chúng tôi muốn có sự răn đe. Chúng tôi muốn trở thành một phần của giải pháp trước khi cuộc chiến bắt đầu."

Ông Poroshenko đáp máy bay từ Warsaw tới Kiev hôm 17/1 (Ảnh: Guancha).

Ông Poroshenko đáp máy bay từ Warsaw tới Kiev hôm 17/1 (Ảnh: Guancha).

Ông Poroshenko nói với đám đông trong thời gian nghỉ tại tòa hôm 17/1: "Các nhà chức trách không chống lại Putin, mà đang bối rối và yếu đuối, họ đang định chống lại chúng ta". Hiện vẫn chưa rõ tòa án khi nào sẽ đưa ra phán quyết về quyền giám hộ và liệu ông có bị bắt giam hay không.

Ông Poroshenko lên nắm quyền vào năm 2014. Các cuộc biểu tình trên đường phố đã lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga khi đó. Ông được cho là người đã tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ các chiến binh ly khai ở miền đông Ukraine. Nhưng Poroshenko đã thua trong cuộc bầu cử năm 2019. Trước đó, ông đã dính vào một vụ bê bối tham nhũng và bị cáo buộc đã không thúc đẩy cải cách chính trị hết mình.

Tổng thống Zelensky lên nắm quyền năm 2019 với cam kết giải quyết tham nhũng và hạn chế ảnh hưởng của nhân vật cỡ bự này ở Ukraine, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Poroshenko sở hữu một đế chế bánh kẹo, thường được gọi là "ông vua chocolate" của Ukraine. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của ông là 1,6 tỷ USD.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Poroshenko tập trung đón ông ở sân bay Kiev (Ảnh: Guancha).

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Poroshenko tập trung đón ông ở sân bay Kiev (Ảnh: Guancha).

Chính phủ Ukraine đã phong tỏa tài sản của Poroshenko vì cáo buộc tội phản quốc.

Mặc dù phải đối mặt với cáo buộc phản quốc, Poroshenko tin rằng mình "sẽ không bao giờ" bị bắt. Theo hãng tin AP, tại cuộc họp báo ở Ba Lan trước khi về nước, Poroshenko khẳng định mình vô tội, cho rằng ông Zelensky đang cố gắng làm mất uy tín của ông về mặt chính trị để chuyển hướng mọi người khỏi các vấn đề tồn tại ở Ukraine, bao gồm khó khăn về kinh tế và số người chết đang không ngừng gia tăng vì đại dịch Covid-19.

Poroshenko cũng chỉ trích thời điểm buộc tội ông của Zelensky, nói rằng nhà lãnh đạo Ukraine phải chịu trách nhiệm về sự thống nhất quốc gia. Ông nói: “Tôi cho rằng việc người lãnh đạo hiện nay chia rẽ đất nước và phá hoại sự thống nhất là rất vô trách nhiệm. Điều mà người Nga thực sự muốn là sự chia rẽ và xung đột trong nội bộ Ukraine.”

Poroshenko cho rằng cuộc chiến chống lại tội phản quốc của ông là một phần trong công cuộc bảo vệ sự thống nhất quốc gia.

Poroshenko cho rằng các cáo buộc đối với ông là do Zelensky và các đồng minh của ông ta bịa đặt và hoàn toàn mang động cơ chính trị. Báo Mỹ New York Times trích dẫn nhận xét trước đó của ông rằng vụ giao dịch than đá là một thỏa hiệp cần thiết để tránh sự sụp đổ kinh tế và bản thân Poroshenko không được lợi gì từ thỏa thuận này.

Zelensky nói rằng các cơ quan công tố và tư pháp của Ukraine vận hành độc lập, ông cho rằng mình thượng tôn pháp luật. Hiện chính quyền Ukraine đã yêu cầu Poroshenko giao nộp hộ chiếu và cấm ông rời khỏi Kiev.

Vào thời điểm mà phương Tây đang muốn thổi phồng “mối đe dọa quân sự” của Nga đối với Ukraine, thì việc hai tổng thống Ukraine lại lao vào đấu đá nhau, đó rõ ràng là điều họ không muốn thấy.

Hãng Reuters đưa tin, những người phê bình chỉ trích Poroshenko chọn quay về nước vào thời điểm này để đối đầu với Zelensky là một hành động phân tán sự chú ý của chính phủ Ukraine. Các nhà ngoại giao phương Tây cũng kêu gọi Ukraine đoàn kết chính trị. Hãng tin AP chỉ ra rằng hàng loạt cáo buộc của Zelensky chống lại Poroshenko đã làm dấy lên lo ngại về việc Ukraine sử dụng các biện pháp "phi dân chủ" để giải quyết tranh chấp, khiến các đồng minh của Ukraine thấy không yên tâm.

Tờ The Guardian của Anh dẫn lời cựu Thủ tướng Thụy Điển Karl Bildt nói, cáo buộc của ông Zelensky "rõ ràng là mang tính chính trị" và bất kỳ nỗ lực nào nhằm quản thúc Poroshenko sẽ "phá hoại rất lớn" sự đoàn kết nội bộ của Ukraine.

Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp quân đội Nga tập kết ở gần biên giới Nga-Ukraine (Ảnh: MAXAR).

Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp quân đội Nga tập kết ở gần biên giới Nga-Ukraine (Ảnh: MAXAR).

New York Times chỉ ra rằng cả hai người hiện đều là những chính trị gia được hoan nghênh nhất ở Ukraine. Tuy nhiên, uy tín của Zelensky đã liên tục suy giảm kể từ khi nhậm chức. Các cuộc thăm dò cho cuộc bầu cử tổng thống tương lai cho thấy ông chỉ dẫn trước Poroshenko một chút, ông Poroshenko vẫn cơ sở ở miền Tây Ukraine, khu vực muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với EU.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Zelensky có thể đang sử dụng việc “quân Nga áp sát biên giới Nga-Ukraine" như một cơ hội để trấn áp các đối thủ chính trị. Volodymyr Yermolenko, Tổng biên tập tạp chí chính trị “Ukraine World”, nói: “Có lẽ ông ấy cho rằng với quân đội (Nga) ở biên giới, người Ukraine sẽ không phản đối”, nếu đúng như vậy thì đó là một nước đi mạo hiểm.

Orysia Lutsevych, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Ukraine tại Viện Các vấn đề Quốc tế Hoàng gia ở London, cho rằng động cơ của Zelensky có thể để tái đắc cử, nên đã đẩy các doanh nhân giàu có, được gọi là các nhà tài phiệt của đất nước, ra khỏi chính trị, mà Poroshenko lại là một ông trùm bánh kẹo Ukraine.

Bà kêu gọi: "Tất cả các nhà lãnh đạo chính trị ở Ukraine hiện nay cần phải đoàn kết để chống lại Nga. Vào lúc này, không được bỏ qua điều rất quan trọng này."