Thông tin vừa được Ban tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác truyền thông dân số và phát triển trong tình hình mới được Tổng Cục dân số phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng diễn ra sáng 23/8.
Theo Ban tổ chức, Việt Nam đã đạt được mục tiêu dân số với xu hướng giảm sinh thể hiện rõ rệt trong suốt 50 năm qua và đang ở tronng giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng”. Tuy nhiên Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ già hóa nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, dân số Việt Nam đang tăng chậm, nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Năm 2014, Việt Nam có 90,7 triệu người, là quốc gia đông dân đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 Châu Á và 14 trên thế giới với mật độ dân số đạt 274 người/km2, cao gấp 5 lần mật độ dân số thế giới (53 người/km2).
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 tuổi đạt 69,4% (số liệu thống kê năm 2014). Tuy nhiên dân số Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa nhanh và sớm trở thành nước có dân số già. Cụ thể, theo số liệu thống kê vào năm 2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ trên 10% tổng số dân số và dự báo sẽ chạm ngưỡng 20% vào năm 2032. Không chỉ vậy, quá trình già hóa dân số tại Việt Nam sẽ diễn ra trong khoảng 20 năm (từ 2012-2032) là đạt ngưỡng dân số già. Và đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ trở thành “siêu già” đang là thách thức đối với Việt Nam.
“Việt Nam đang trong cơ hội ngắn ngủi còn lại của dân số vàng và theo tính toán đến 2020 sẽ kết thúc dù cơ quan chức năng tính đến 2025 nên rất cần những giải pháp, chính sách tận dụng cơ cấu dân số vàng và nhanh chóng thích ứng với quá trình già hóa thông qua việc điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý. Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số vàng không khai thác sẽ mất”, bác sỹ Mai Xuân Phương, Tổng Cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y Tế nhấn mạnh.
Sáng 23/8, tại Đà Nẵng, Tổng Cục dân số phối hợp với Cục dân số các địa phương tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác truyền thông dân số và phát triển trong tình hình mới nhằm cung cấp các thông tin mới về tình hình dân số cũng như chia sẻ công tác truyền thông dân số trong tình hình hiện nay
Cũng theo các chuyên gia dân số, việc tốc độ già hóa dân số tăng nhanh sẽ kéo theo nhu cầu lớn về công tác chăm sóc sức khỏe dân số cũng như chính sách về dân số nhằm đáp ứng được nhu cầu của cơ cấu dân số trong hiện tại và tương lai. Trong khi đó, chất lượng dân số tăng chưa cao tương xứng sẽ trở thành áp lực trong thời gian tới.
Để khai thác tối đa cơ hội “cơ cấu dân số vàng” và thích ứng với già hóa dân số. Ban tổ chức cho rằng, cần duy trì mức sinh hợp lý, tăng cơ hội việc làm, tăng cường đầu tư chất lượng chăm sóc sức khỏe dân số và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, để thích ứng với già hóa dân số, Việt Nam cần phát huy lợi thế của người cao tuổi, truyền thông giáo dục, thay đổi hành vi, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, tăng cường dịch vụ y tế. Nhất là cần cải thiện các chính sách và hợp tác quốc tế trong công tác dân số.