|
Một người chống đối việc thổi vào máy đo. Ảnh; Hiệp Bình. |
Sau 4 ngày thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng CSGT đã kiên quyết xử lý một số trường hợp lái xe sau khi uống rượu bia. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp chống đối.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), qui định của Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng. |
Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định đã quy định rõ về việc chủ phương tiện phải có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi được yêu cầu kiểm tra lỗi vi phạm.
Trường hợp chủ phương tiện không chấp hành việc kiểm tra, không chứng minh hoặc giải trình được lỗi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định đối với lỗi phát hiện.
Người vi phạm khai không đúng sự thật về tên tuổi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi làm việc với cơ quan chức năng sẽ phải đưa ra các giấy tờ chứng minh về tên tuổi đã khai trước đó.
Cũng theo luật sư Bình, trong trường hợp tài xế không chịu hợp tác thổi vào máy đo, dù chưa cần biết nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu, thì vẫn bị xử phạt ở khung cao nhất của hành vi vi phạm này.
Trung tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội - cho biết, cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ đã được trang bị đầy đủ kỹ năng để xử lý những trường hợp không chấp hành mệnh lệnh, viện nhiều lý do không thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn.
Tất cả những trường hợp này chưa đến mức bị xử lý ở hành vi chống người thi hành công vụ, nhưng sẽ bị áp khung xử lý nặng khi lập biên bản với đầy đủ chứng cứ và người làm chứng để bảo đảm tính khách quan.
|
Người đàn ông lớn tiếng với CSGT đang thi hành nhiệm vụ. Ảnh: Hiệp Bình.
|
Trước đó, lực lượng CSGT cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng gặp phải một số người điều khiển phương tiện không hợp tác đo nồng độ cồn trong khí thở, thậm chí bỏ lại phương tiện.
Cụ thể, trong ca trực vào khoảng 20h45 ngày 3/1 tại khu vực Điện Biên Phủ – Lê Duẩn (quận Ba Đình), Tổ công tác Y10/141 Công an TP. Hà Nội đã xử lý một trường hợp như vậy.
Khi phát hiện người điều khiển mô tô BKS 29C1-709.12 có biểu hiện say xỉn lưu thông theo hướng Cửa Nam về Điện Biên Phủ, Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu người đàn ông hợp tác đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, người này lớn tiếng phản đối, cho rằng mình không vi phạm.
Tổ công tác muốn kiểm tra phải đưa ra được quyết định của Viện kiểm sát. Thậm chí trước ống kính nhiều phóng viên, anh ta còn dọa “đập máy quay”.
Sau một thời gian bị Tổ công tác kiên quyết yêu cầu thổi nồng độ cồn, anh ta bỏ lại phương tiện và tự cho biết tên là Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1972, không rõ địa chỉ cư trú). Tổ công tác Y10/141 đã mời một số nhân chứng chứng kiến vụ việc cùng ký vào biên bản xử lý về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và tạm giữ phương tiện để xử lý theo yêu cầu của pháp luật.
Một trường hợp chống đối khác xảy ra vào tối 2/1, khi Tổ công tác của Đội CSGT số 6 làm việc với tài xế tên L.H.H. (sinh năm 1953, trú tại Cầu Giấy) điều khiển xe máy BKS 29-Y5 8686 tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng gặp phải sự phản kháng quyết liệt.
Người này xuống xe tự nhận uống 2 cốc bia trước đó rồi dọa đốt xe, không chấp hành thổi nồng độ cồn, đồng thời tự nhận mình làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau đó đã thông tin đây là hành vi mạo danh.
Tại TP. HCM cũng ghi nhận một trường hợp tự ý bỏ lại phương tiện sau khi nghe mức phạt cao.