|
Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ - Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định |
Như giữ gìn con ngươi của mắt mình
Trước tiên cần phải nói rằng, học tập và làm theo tấm gương của Bác chúng ta phải thấu hiểu được tâm nguyện của Bác. Tôi về Ban Tổ chức Trung ương năm 1956, có lần được làm việc với Bác. Sau này có dịp tiếp xúc với những đồng chí thân cận của Bác và đặc biệt là ông Vũ Kỳ, tôi càng thấu hiểu điều mà Bác quan tâm nhất là công tác cán bộ, bởi cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề.
Trong công tác cán bộ, tôi đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề cốt lõi mà Bác dạy, đó là sự đoàn kết trong Đảng và chống chủ nghĩa cá nhân.
“Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được"
Trong Di chúc của Người, lần cuối cùng trước lúc ra đi, Bác căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Tại sao Bác lại nói đến đoàn kết đầu tiên? Bác đã tiên liệu trước, sau khi giành được chính quyền, nếu công tác tổ chức trong Đảng không được làm khoa học, chặt chẽ, công khai, minh bạch; cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao không được tu dưỡng, rèn luyện thì rất dễ nảy sinh sự kèn cựa, tranh giành lẫn nhau chức quyền.
Điều mà Bác lo lắng nhất là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong hàng ngũ của Đảng rất dễ nảy sinh tư tưởng tự mãn, tự kiêu, tự đại dẫn đến chia rẽ nội bộ, tranh giành chức quyền lẫn nhau.
Vì vậy, Bác căn dặn là phải giữ cho được đoàn kết nhất trí. Vì nó tối quan trọng nên Bác yêu cầu phải giữ gìn “như giữ gìn con người của mắt mình”. Đoàn kết tạo ra sức mạnh. Một Đảng mạnh là Đảng phải đoàn kết.
Sinh thời Bác đã làm mọi cách để gắn kết các thành viên trong Đảng, đặc biệt là trong Bộ Chính trị. Hàng chiều Thứ 7, Bác thường mời cơm các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Bác hay bảo đại ý là ăn cơm với nhau, có gì khúc mắc với nhau thì cứ nói hết ra để rồi cùng nhau giải quyết. Sau khi thông rồi thì cùng nhau nhìn về một hướng. Vì thực ra lúc bấy giờ không phải vấn đề gì cũng đều tìm được tiếng nói chung.
Ví dụ vấn đề quan trọng nhất thời bấy giờ là đánh Mỹ. Đánh đuổi Mỹ thì ai cũng nhất trí, nhưng đánh như thế nào thì cũng còn có ý kiến khác nhau.
Có quan điểm nhấn mạnh “phòng ngự, rồi mới tấn công”, quan điểm khác lại cho rằng “Cách mạng là chỉ có tấn công”. Hoặc “lấy nông thôn bao vây thành thị”, hoặc “Ba vùng giáp công”.
Quét sách chủ nghĩa cá nhân
Một trong những căn bệnh mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chí trích nhiều nhất là chủ nghĩa cá nhân.
Ngày 3/02/1969, Bác viết bài cuối cùng về đạo đức, Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải “Nâng cao đạo đức cách mạng. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Vì như Bác bảo: “Chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong. Địch ở bên trong đáng sợ hơn, nó phá hoại từ trong phá ra”. Bác đã coi chủ nghĩa cá nhân như một thứ rác rưởi, cho nên Bác dặn phải “quét sạch”.
Điển hình của chủ nghĩa cá nhân là “Bệnh tham lam” và “Bệnh kéo bè kéo cánh”.
Theo Người, những người mắc bệnh này đều đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc. Chữ tôi to hơn chúng ta, không lo mình vì mọi người, mà chỉ muốn mọi người vì mình. Do đó, họ tự tư tự lợi, dùng của công làm việc tư, dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, tham ô, hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi.
Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống. Từ đó đi đến bè phái chia rẽ, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Từ sự chỉ bảo trên đây của Bác Hồ, mà Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa 12) về chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra tội ác của chủ nghĩa cá nhân. Sự suy thoái về đạo đức lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Từ sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy phải “Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm”.
Trong cuộc chỉnh đốn Đảng lần này, toàn dân đang mong Đảng sẽ quét sạch được các bệnh của chủ nghĩa cá nhân mà Bác Hồ đã dạy, mà nghị quyết của Đảng đã chỉ ra, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết khác của Đảng đến thành công, để thực hiện lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”.