Dân chê mẫu tàu điện trên cao nhập từ Trung Quốc xấu và sợ kém an toàn

Câu hỏi an toàn được đặt ra khi người dân đến thăm quan mẫu tàu điện Cát Linh - Hà Đông được trưng bày từ sáng nay đến 30.11.
Người dân thủ đô có mặt từ sớm để theo dõi sự kiện mở cửa trưng bày tàu điện mẫu Cát Linh - Hà Đông.

Giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng từ vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30.5.2008.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự án do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) tổng thầu thi công toàn bộ.

Dự án có chiều dài tuyến trên cao hơn 13 km, từ nút giao Cát Linh - Giảng Võ đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I, tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc giao thông (ảnh H.Lực)

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý I/2015 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn và gặp sự cố nên mốc hoàn thành dự án để đưa vào khai thác được lùi tới cuối năm 2016.

Dự án chậm tiến độ ở hàng loạt hạng mục, gây ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực dự án.

Khi ra đời, dự án tàu điện Cát Linh – Hà Đông được kỳ vọng là giải pháp giảm ùn tắc giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy du lịch thủ đô vì vậy nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Chính vì thế thông tin Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức trưng bày tàu mẫu tại Khu triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) bắt từ 29/10 đến 30/11 thu hút đông đảo người dân đến thăm quan.

Trong sáng qua (29.10), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường và ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) đã đến tham dự cắt băng, mở cửa để người dân "mục sở thị" đoàn tàu mẫu.

Dù phải hơn 10 giờ sáng lễ khai trương mới bắt đầu nhưng từ 8h rất đông người dân Hà Nội đã có mặt tại Khu triển lãm Giảng Võ. Nhiều người cho biết, bên cạnh việc được tận mắt xem hình dáng, thiết kế của đoàn tàu, điều họ quan tâm nhất là độ an toàn của đoàn tàu này khi vận hành như thế nào?

Là người từng có điều kiện du lịch tại nhiều nước như Singapore, Nhật Bản... bác Nguyễn Văn Dần (Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ, tàu điện là phương tiện giao thông hiện đại với tải trọng lớn, tốc độ cao. Cùng với xe buýt, tàu điện được hy vọng giúp giảm ùn tắc giao thông ở thủ đô. Tuy nhiên vấn đề bác Dần quan tâm là khai thác làm sao an toàn và hiệu quả tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông.

“Tôi lo nếu nhà ga không có biện pháp giảm ùn tắc thì khi một chuyến tàu điện đến với hàng trăm người lên xuống tàu sẽ gây ùn tắc giao thông cục bộ. ở các nước họ đều có phương tiện hỗ trợ như xe buýt hoặc cầu vượt để di chuyển xuống, tôi nghĩ mình phải có giải pháp”, bác Dần cho hay.

Bên cạnh vấn đề nhà ga, theo bác Dần tàu điện chỉ chạy tuyến Cát Linh – Hà Đông, nếu người đi làm họ sẽ không lựa chọn vì khi đến nơi làm việc phải lại bằng phương tiện cá nhân. Nếu hướng tàu điện vào du lịch, với vận tốc nhanh sẽ không đáp ứng nhu cầu ngắm cảnh, còn với sinh viên cần quan tâm đến giá vé.

Sẽ lắng nghe ý kiến góp ý

Sau khi Ban tổ chức mở cửa tàu, người dân được trực tiếp thăm quan nội thất bên trong toa tàu.

Cùng thăm quan và lắng nghe phản hồi ban đầu của người dân, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Mẫu đoàn tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn thế giới, đảm bảo vận hành an toàn nhất. Thiết kế đoàn tàu theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trao đổi với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí

Liên quan đến việc lựa chọn màu xanh lá cây cho đoàn tàu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Thế giới đang hướng đến giao thông xanh, việc lựa chọn màu xanh cho đoàn tàu có ý nghĩa đó. Ngoài ra Hà Nội thành phố của màu xanh, của hòa bình... đoàn tàu muốn hòa mình chung với màu xanh của Hà Nội”.

Được biết, mỗi người đến thăm quan tàu mẫu được phát phiếu khảo sát ý kiến với 8 câu hỏi trắc nghiệm đơn giản như: Màu sắc chủ đạo, họa tiết trang trí, tay nắm treo, ghế ngồi… Kèm theo đó là câu trả lời: Rất hài lòng, hài lòng, chưa hài long và ý kiến khác.

Bên cạnh lấy ý kiến thăm dò này trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông vận tải trưng bày tàu mẫu mong muốn được người dân, các chuyên gia đưa ra ý kiến góp ý về mặt kỹ thuật, thiết kế, màu sắc, nội thất…

“Những góp ý nào phù hợp điều kiện, phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam sẽ được Bộ Giao thông vận tải lắng nghe tiếp thu và sửa đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Trước câu hỏi: Thứ trưởng có chắc những ý kiến người dân sẽ được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu? Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Mọi ý kiến bằng văn bản của người dân sẽ được Bộ lắng nghe và phản hồi sau đó sẽ tổng hợp và thông tin ra các phương tiện thông tin đại chúng”.

* Một số hình ảnh tàu điện mẫu Cát Linh - Hà Đông được trưng bày tại Khu triển lãm Giảng Võ:

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) kéo rèm che tàu điện mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Người dân chú ý theo dõi thông tin kỹ thuật của đoàn tàu.
Bảng chỉ dẫn ga đến, đèn báo hiệu lệnh đặt ngay trên cửa ra vào tàu.
Bên trong toa tàu có ghế ngồi ...
...và tay treo để hành khách an toàn khi tàu di chuyến tốc độ nhanh.
Trên mỗi khoang cửa có báo hiệu đang ở ga nào.
Toàn cảnh toa đầu của tàu điện mẫu Cát Linh - Hà Đông.
Sau khi thăm quan, mọi người được Ban tổ chức phát một phiếu khảo sát ý kiến.
Sau khi thăm quan trải nghiệm, nhiều người dân đã viết ý kiến góp ý để gửi đến Bộ Giao thông vận tải.

Theo Một thế giới