|
Tỉnh Kon Tum vừa ra văn bản về việc chấm dứt dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty HAG. |
Chuyện đàn bò
Hôm qua (26/5), UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã ra văn bản về việc chấm dứt dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum và Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cùng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cho dừng thực hiện dự án trên
Sau khi xem xét, UBND tỉnh đã thống nhất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư số 38121000171 cấp ngày 15-5-2015 và chấm dứt hoạt động Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với lý do: “Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án”.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Hoàng Anh Gia Lai được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015 với tổng vốn 1.600 tỷ đồng.
Dự án có quy mô ban đầu là 35.700 con bò sinh sản (gồm bò cái sinh sản và bò đực để lai tạo giống), sau đó sẽ nâng lên 111.880 con, gồm bò sinh sản và bò vỗ béo.
Được biết, con bò đang là cứu cánh cho HAG trong giai đoạn chông gai hiện tại. Cụ thể, trong Quý I/2016, hoạt động bán bò đem lại cho Hoàng Anh Gia Lai hơn 1.233 tỷ đồng, chiếm hơn 62,5% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, xung quanh hoạt động chăn nuôi và kinh doanh bò thịt và bò sữa của tập đoàn này cũng có rất nhiều chi tiết thú vị. Điển hình là câu chuyện chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Bò Sữa Tây Nguyên (BSTN), pháp nhân được thành lập vào ngày 28/4/2014 theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 5900985126 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, với địa hạt hoạt động chính là chăn nuôi và kinh doanh bò thịt và bò sữa.
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng đặt kỳ vọng rất nhiều vào các dự án trồng cỏ, nuôi bò của HAGL.
Công ty “cháu”
Xét về mối quan hệ với tập đoàn mẹ HAG, BSTN ban đầu là “con” nhưng đến tháng 4/2015 lại trở thành “cháu”.
Theo GCNĐKKD điều chỉnh lần 1 ngày 29/05/2014 của BSTN, doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó HAG nắm giữ 45% tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2014, HAG vẫn chưa góp đủ vốn vào BSTN, khi mà giá trị ghi sổ của khoản đầu tư này chỉ là 38,9 tỷ đồng.
Đến ngày 26/4/2015, HAG đã tiến hành hoán đổi 29,7 triệu cổ phiếu, tương đương với 7,442% tỷ lệ sở hữu của HAG trong CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) - một công ty con do HAG nắm giữ hơn 85% vốn cổ phần - cho các cổ đông không kiểm soát của BSTN (một công ty liên kết mà HAG đang nắm giữ 45% tỷ lệ sở hữu) để lấy 29,7 triệu cổ phiếu hiện hữu của BSTN, tương đương với 54% tỷ lệ sở hữu trong BSTN do các cổ đông không kiểm soát này nắm giữ.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu của HAG trong BSTN tăng từ 45% lên 99% và BSTN trở thành công ty con của HAG. Đồng thời, HAG cũng đã chuyển giao 7,442% tỷ lệ sở hữu trong HNG cho các cổ đông không kiểm soát. Qua đó, ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất một khoản giá trị là 162,3 tỷ đồng.
Nhưng chỉ đúng một ngày sau, tức là 27/4/2015, HAG lại bán lại toàn bộ 38.993.170 cổ phiếu BSTN, tương ứng với 99% tỷ lệ sở hữu của Công ty trong BSTN cho HNG theo giá 11.823 VND/cổ phiếu (hợp đồng mua bán cổ phần số 27/4/HĐMBCP). Tổng giá phí hợp nhất kinh doanh mà HNG đã thanh toán cho thương vụ là 461 tỷ đồng.
Như vậy, BSTN đã trở thành công ty con của HNG, hay cũng có thể nói là thành “cháu” của HAG.
Được biết, ngày 12/5/2015, HNG đã góp thêm 154,6 tỷ đồng vào BSTN, tăng tỷ lệ sở hữu lên 99% (vốn điều lệ của HNG khi này đã lên tới 550 tỷ đồng).
Về hoạt động chuyển nhượng cổ phần BSTN từ HAG sang HNG vừa nêu, trước tiên cần phải đánh giá, rằng tuy có gấp, nhưng chỉ là một nghiệp vụ mang tính kỹ thuật để thực hiện hóa chủ trương “quy mối” các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về HAGL Agrico (HNG).
Song cũng phải lường đoán những hệ quả phía sau câu chuyện, liên quan đến lợi ích của các cổ đông không kiểm soát, những người thoáng chốc đã trở thành chủ sở hữu của 29,7 triệu cổ phiếu HNG – khi ấy là là “hàng hot” chuẩn bị lên sàn. Vậy, ai là các cổ đông không kiểm soát “gốc gác” BSTN ở HNG (?!).
“Xén lông cừu”?
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiền thân là CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai thành lập ngày 26/5/2010 theo Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh số 5900712753 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai.
Ngày 3 tháng 4 năm 2015, Công ty đã nhận được GCNĐKKD số 5900712753 – điều chỉnh lần thứ mười một, chấp thuận việc đổi tên từ CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai thành CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).
Hoạt động chính được đăng ký của Nhóm Công ty là chăn nuôi và kinh doanh bò thịt và bò sữa; trồng và kinh doanh cao su, cọ dầu, mía và các loại cây trồng khác; sản xuất và mua bán cây giống; cung cấp dịch vụ trồng trọt và các vật liệu liên quan; xây dựng nhà các loại, xây dựng công nghiệp và các công trình dân dụng.
Ngày 10/7/2015, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ra văn chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu đối với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico. Theo đó, Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico sẽ bắt đầu giao dịch trên HoSE từ ngày 20/7/2015 với giá tham chiếu 28.000 đồng.
Trở lại với thời điểm 26-27/4/2015, khi mà HAG và các cổ đông không kiểm soát của BSTN thực hiện giao dịch hoán đổi 29,7 triệu cổ phiếu HNG – BSTN. Không thể nói, khi đó, những “người trong cuộc” không biết gì về kế hoạch “lên sàn” giá khủng của cổ phiếu HNG.
Cũng cần phải nhắc lại về quá khứ giao dịch của HNG trong năm 2015, khi ấy giá cổ phiếu HNG và HAG không tệ như bây giờ, mà ngược lại, còn rất sáng. HNG quanh quẩn 28 – 33 nghìn đồng/cổ phiếu, gấp 4 – 5 lần thị giá hiện tại.
Đến đây, nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về một kịch bản “xén lông cừu”. Tất nhiên là nó có cơ sở song diễn biến thực tế đã không quá chiều lòng các “đạo diễn”, nếu kịch bản đó là có thật.
Lịch sử giao dịch của cổ phiếu HNG.
Thị trường khá nhạy. Thanh khoản của cổ HNG trong suốt giai đoạn 2015 là tương đối hạn chế, lác đác vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên. Chỉ bắt đầu sang năm 2016, khi tình thế khó khăn của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bộc lộ rõ, và giá cổ phiếu HNG về với giá trị thực của nó, dưới mệnh giá, những giao dịch triệu cổ, chục triệu cổ mới xuất hiện.
Còn một khía cạnh khác trong câu chuyện “chuyển khẩu” BSTN sang HNG, là kèm theo đó, có thể khối nợ khủng của BSTN cũng sẽ được “chan” từ HAG sang HNG.
Theo một tài liệu mà VietTimes thu thập được, hầu hết đàn bò được BSTN nhập về, được nuôi, vỗ béo tại các trang trại của BSTN đều được đem cầm cố tại hai chủ nợ quen thuộc là VPBank và BIDV./.
Ninh Giang – Hoàng Nguyên