Đàm phán biên giới Trung - Ấn lại thất bại, Ấn Độ cấm tiếp 118 ứng dụng di động của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc tình hình căng thẳng trên biên giới Trung - Ấn tại khu vực Hồ Pangong đang leo thang, Ấn Độ lại cấm thêm 118 ứng dụng di động của Trung Quốc, đưa tổng số các App bị cấm lên 224.
Giữa lúc tình hình căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang, Ấn Độ cấm thêm 118 ứng dụng di động của Trung Quốc (Ảnh: Apolo).
Giữa lúc tình hình căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang, Ấn Độ cấm thêm 118 ứng dụng di động của Trung Quốc (Ảnh: Apolo).

Theo Times of India ngày 2/9, sáng cùng ngày, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tổ chức vòng đàm phán mới cấp lữ đoàn trưởng ở phía lãnh thổ Trung Quốc trên Tuyến kiểm soát thực tế biên giới Trung Quốc - Ấn Độ (LAC), tập trung vào việc tháo gỡ tình hình căng thẳng ở bờ nam Hồ Pangong (Pangong Tso). Tin cho biết, trước đó đã có hai vòng đối thoại tương tự vào ngày 31/8 và 1/9, mỗi vòng kéo dài hơn 6 giờ, nhưng hầu như không đạt được bất cứ “đồng thuận mang tính xây dựng” nào.

Trước đó, ngày 1/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã triệu tập cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar, Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval, Tổng trưởng Tham mưu trưởng Bipin Rawat, Tư lệnh Lục quân Manoj Naravane, Tư lệnh Không quân Badauria để tìm hiểu toàn diện về “diễn biến của tình hình ở khu vực phía đông Ladakh”, yêu cầu quân đội Ấn Độ phải duy trì một "thế trận chủ động" ở tất cả các khu vực nhạy cảm dọc theo Tuyến kiểm soát thực tế trên biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Theo các nguồn tin, Lục quân Ấn Độ sẽ đưa thêm nhiều binh sĩ và vũ khí, bao gồm xe tăng và tên lửa chống tăng tới và Không quân sẽ tăng cường giám sát hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc.

Ấn Độ đang đưa thêm quân ra khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp (Ảnh: AP).
Ấn Độ đang đưa thêm quân ra khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp (Ảnh: AP).

Theo tin của Reuters ngày 2/9, quân đội Ấn Độ đã triển khai quân trên bốn điểm cao chiến lược để phản ứng trước “nỗ lực định vượt qua các cửa núi quan trọng” của quân đội Trung Quốc (PLA) vào tối ngày 29/8. Các quan chức quân sự Ấn Độ tuyên bố rằng “bốn cao điểm đều nằm ở phía Ấn Độ của Tuyến kiểm soát thực tế”. Quan chức này cũng nói rằng các binh sĩ Trung Quốc đã tiếp cận quân đội Ấn Độ dưới sự yểm trợ của các xe quân sự, ở khoảng cách “đủ gần để cãi vã, nhưng không có xung đột cơ thể nào nổ ra”. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố ngày 31/8 rằng do áp dụng biện pháp phòng thủ “tiên phát chế nhân”, phía Ấn Độ đã ngăn chặn được những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng.

Về tuyên bố của phía Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 2/9 rằng tuyên bố của phía Ấn Độ “không khảo mà xưng” đã thể hiện đầy đủ rằng vụ việc là hành động  vượt biên trái phép khiêu khích trước và đơn phương của quân đội Ấn Độ nhằm thay đổi hiện trạng ở khu vực biên giới. Bà nhấn mạnh, hai bên hiện đang duy trì liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao. Trung Quốc đề nghị phía Ấn Độ kiềm chế nghiêm ngặt các lực lượng ở tuyến trước, dừng ngay mọi hành động khiêu khích, rút ngay mọi lực lượng vượt biên trái phép, chấm dứt ngay mọi hành động dẫn tới gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình.

Các điểm xảy ra xung đột ở dọc Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) (Ảnh: Wire).
Các điểm xảy ra xung đột ở dọc Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) (Ảnh: Wire).

Đài truyền hình New Delhi (NDTV) của Ấn Độ ngày 2/9 đưa tin  Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval tuyên bố tại một cuộc họp cấp cao diễn ra hôm 1/9 rằng Ấn Độ đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc ở khu vực Ladakh và sẽ tăng cường triển khai quân sự trong khu vực này và cho phép sử dụng mọi biện pháp để “ngăn chặn Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng của Tuyến kiểm soát thực tế”. Với việc tình hình căng thẳng của cuộc đối đầu trên biên giới Trung-Ấn ngày càng nóng lên, liệu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ có gặp nhau trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Nga hay không đã thu hút sự chú ý của tất cả các bên. Tờ India Today ngày 2/9 đưa tin ông Rajnath Singh đã lên đường tới Moscow cùng ngày; tuy nhiên, các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết hiện không có kế hoạch cho cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng phía Nga đang cố gắng tạo cơ hội đối thoại giữa hai nước.

Mặt khác, Ấn Độ tiếp tục có động thái nhằm “tách rời kinh tế” khỏi Trung Quốc. Theo tin của The Economic Times Ấn Độ tối ngày 2/9, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ thông báo rằng họ sẽ tiếp tục cấm thêm 118 ứng dụng di động do các công ty Trung Quốc phát triển với lý do “gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ và đe dọa quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ”. 118 ứng dụng này bao gồm trò chơi di động “Player Unknown's Battlegrounds” (PUBG) rất phổ biến ở Ấn Độ và các ứng dụng khác nhau của Baidu và Tencent.

Theo ước tính của cơ quan thống kê Sensor Tower, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của trò chơi điện tử trên điện thoại di động PUBG. Cho đến nay, đã có 175 triệu người Ấn Độ tải xuống ứng dụng này, chiếm 24% tổng số lượt tải xuống trên toàn thế giới.

Trò chơi điện tử nổi tiếng PUBG đã bị chính phủ Ấn Độ cấm (Ảnh: Sina).
Trò chơi điện tử nổi tiếng PUBG đã bị chính phủ Ấn Độ cấm (Ảnh: Sina).

Các ứng dụng nổi tiếng khác bị cấm bao gồm: Baidu, Alipay, Tencent Weiyun, Sina News, WeChat công ty và WeChat đọc, Business Card Almighty King, phần mềm chỉnh sửa ảnh Cut Cut, ứng dụng nhắn tin video VooV, Taobao di động, Youku, v.v.

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ ra thông báo cho biết họ đã nhận được các khiếu nại nói rằng các ứng dụng này đã “lấy cắp và bí mật truyền dữ liệu người dùng đến các máy chủ đặt bên ngoài Ấn Độ một cách trái phép”, dẫn đến “chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng  của Ấn Độ bị tổn hại”.

Chính phủ Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng “quyết định này là một biện pháp có tính trực diện nhằm đảm bảo an ninh và chủ quyền trên không gian mạng của Ấn Độ”.

Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng vào cuối tháng 6, bao gồm nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok, các ứng dụng mạng xã hội WeChat và Weibo. Sang tháng 7, quốc gia này đã cấm thêm 47 ứng dụng Trung Quốc được nhân bản từ các ứng dụng bị cấm trước đó. Cùng với hành động lần này, tính đến nay Ấn Độ đã cấm tổng cộng 224 ứng dụng di động của Trung Quốc.