Căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn: đã xảy ra nổ súng và có người chết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xung đột tại biên giới Trung-Ấn đã trở nên nghiêm trọng. Hãng tin Pháp AFP đưa tin một đại đội trưởng Ấn Độ người gốc Tạng đã bị lính Trung Quốc bắn chết khi đang tuần tra khu vực phía bắc Ladakh vào tối thứ Bảy (29/8) và một cấp dưới của ông bị thương.  
Các điểm xảy ra xung đột mấy ngày qua giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở phía nam Hồ Pangong (Ảnh Đa Chiều).
Các điểm xảy ra xung đột mấy ngày qua giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở phía nam Hồ Pangong (Ảnh Đa Chiều).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 2/9, người chết là một chỉ huy đại đội người gốc Tạng của quân đội Ấn Độ năm nay 51 tuổi, đã tham gia quân đội 33 năm. Ông ta vốn sống tại một khu định cư của người Tây Tạng ở Choglamsar gần thành phố Leh, thủ phủ của Ladakh và thuộc Tiểu đoàn 7 của Special Frontier Force (Lực lượng phòng vệ biên giới đặc biệt) của quân đội Ấn Độ. Ông đã bị lính Trung Quốc bắn tỉa trúng vào cổ và đã tử vong sau đó.

Lực lượng PLA hôm Chủ nhật (30/8) đã đột nhập vào vị trí Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) thuộc khu vực quân đội Ấn Độ quản lý trên bờ nam của Hồ Pangong, chiếm một đỉnh đồi và bắt đầu các công việc phòng thủ liên quan. Quân đội Ấn Độ đóng quân gần hồ Pangong đã kéo tới ngăn cản PLA thực hiện các công việc liên quan. Hai bên đã nổ ra một vụ “va chạm cơ thể” (tức ẩu đả lẫn nhau) nhưng không có báo cáo về nổ súng tại hiện trường.

Xe chở thi thể viên sĩ quan Ấn Độ gốc Tây Tạng bị phía Trung Quốc bắn chết (Ảnh: Đông Phương).
Xe chở thi thể viên sĩ quan Ấn Độ gốc Tây Tạng bị phía Trung Quốc bắn chết (Ảnh: Đông Phương).

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm thứ Hai (31/8) đưa ra tuyên bố cáo buộc PLA đã vi phạm sự đồng thuận mà hai bên đạt được thông qua các kênh quân sự và ngoại giao bằng cách thực hiện các hành động khiêu khích quân sự nhằm thay đổi hiện trạng. Các binh sĩ biên phòng đặc biệt của Quân đội Ấn Độ đã ngay lập tức thực hiện hành động phản công. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã bác bỏ cáo buộc và Chiến khu Miền Tây PLA thậm chí còn cáo buộc rằng quân đội Ấn Độ đã vượt biên trái phép vào hôm thứ Hai (31/8), cảnh báo quân đội Ấn Độ phải rút quân ngay lập tức và nhấn mạnh quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết.

Ngoài ra, trước đó phía Ấn Độ tuyên bố “Quân đội Tây Tạng lưu vong” được thành lập vào những năm 1960 là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang Ấn Độ và được trang bị nhiều loại thiết bị công nghệ cao.

Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Tư (2/9) nói, bà không biết liệu có người Tây Tạng lưu vong trong lực lượng biên phòng Ấn Độ hay không, nhưng những từ như “những năm 1960”, “người Tây Tạng lưu vong” gây liên tưởng và làm cho mọi người nghĩ về nguồn gốc của vấn đề Tây Tạng và vai trò của Mỹ. Bà cũng nhắc lại rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào cung cấp bất kỳ cơ sở và địa điểm nào cho lực lượng “Tây Tạng độc lập” tham gia vào các hoạt động ly khai và phá hoại Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.

Lính bắn tỉa Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
Lính bắn tỉa Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).

Đối với tuyên bố trước đó của Ấn Độ rằng quân đội Ấn Độ đã thực hiện một hành động “tiên phát chế nhân” (cuộc tấn công phủ đầu) vào lính PLA ở bờ nam của Hồ Pangong, bà Hoa Xuân Oánh nói, tuyên bố của Ấn Độ là “không khảo mà xưng”, chứng minh rằng vụ việc là hành động khiêu khích vượt tuyến bất hợp pháp trước của quân đội Ấn Độ. Trung Quốc đề nghị phía Ấn Độ quản chế nghiêm ngặt quân đội ở tiền tiêu, dừng ngay mọi hành động khiêu khích, đồng thời rút về ngay mọi binh lính vượt biên trái phép.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 2/9 cho biết, sau khi xảy ra đụng độ, dư luận Ấn Độ đã ca ngợi quân đội giành được thắng lợi quan trọng, lấy lại được một phần lãnh thổ. Vishnu Som, một biên tập viên cấp cao của Đài truyền hình New Delhi (NDTV), đã tweet: "Người Trung Quốc gọi Reqin, nơi bị quân đội Ấn Độ chiếm đóng, là một thung lũng sông. Với việc chiếm lại được nơi này, quân đội Ấn Độ có thể khống chế được chốt gác của PLA tại Spanggur Tso. Chúng ta tiến vào phía lãnh thổ Trung Quốc khống chế 4 km”.

Trang Frontline Assault đã đưa một tweet khác cùng ngày: "Bắt đầu với Aksai Chin để hoàn thành sứ mạng. Hôm nay, Ấn Độ đã giành lại được 3,5 km lãnh thổ (Reqin) của Ladakh. Ấn Độ vĩ đại đã đi bước đầu tiên”.

Mạng tin tức Kreately của Ấn Độ ngày 1/9 đưa tin rằng lần đầu tiên sau cuộc chiến tranh năm 1962, Ấn Độ đã chiếm đèo Reqin; quân đội Ấn Độ hiện đã tiến thêm 4 km về phía Aksai Chin hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát. Kreately nhận xét đây là một bước đi rất táo bạo và cũng là một bước đi vô cùng quan trọng.

Khu vực lính Trung Quốc chốt giữ (các điểm màu đỏ), nơi theo phía Trung Quốc nói đã bị quân Ấn Độ tràn sang (Ảnh: Đa Chiều).
Khu vực lính Trung Quốc chốt giữ (các điểm màu đỏ), nơi theo phía Trung Quốc nói đã bị quân Ấn Độ tràn sang (Ảnh: Đa Chiều).

Truyền thông Anh chỉ ra rằng Reqin, Spanggur Tso là nơi xảy ra xung đột bạo lực giữa quân đội hai bên vào tối 29/8. Tờ Daily Telegraph ngày 31/8 đã đăng một bài báo có tiêu đề “Quân đội Ấn Độ chiếm doanh trại PLA ở Ladakh, xung đột bạo lực lại bùng phát”, trích dẫn một quan chức cảnh sát cấp cao của Ấn Độ tiết lộ rằng vào tối ngày 29/8, khoảng 500 người của PLA định vượt biên giới vào lãnh thổ Ấn Độ ở Spanggur Tso - một thung lũng sông hẹp gần làng Chushul, sau đó quân hai bên đã hỗn chiến tay không, ẩu đả trong ba giờ.

Theo bản tin Reuters ngày 1/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cùng ngày cáo buộc quân đội Trung Quốc thực hiện “các hành động khiêu khích” ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Ông Anurag Srivastava, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói trong một tuyên bố: “Do áp dụng hành động phòng thủ kịp thời, Ấn Độ đã ngăn chặn được ý đồ (của phía Trung Quốc) định đơn phương thay đổi hiện trạng”. Một quan chức Ấn Độ tuyên bố rằng quân đội Ấn Độ đã triển khai binh lực trên 4 đỉnh núi có ý nghĩa chiến lược.

Quân đội Ấn Độ phong tỏa đường ra biên giới gần khu vực xảy ra đụng độ (Ảnh: Đa Chiều).
Quân đội Ấn Độ phong tỏa đường ra biên giới gần khu vực xảy ra đụng độ (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang web Times Now News của Ấn Độ ngày 1/9, Ấn Độ một lần nữa đánh bại nỗ lực của Trung Quốc tiến vào lãnh thổ Ấn Độ dọc theo Tuyến kiểm soát thực tế vào ngày 1 và buộc PLA quay trở lại căn cứ sau khi phớt lờ các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu tình hình.

Hãng thông tấn Ấn Độ ANI ngày 1/9 đưa tin, các nguồn tin nói rằng lực lượng an ninh Ấn Độ cùng ngày đã làm thất bại nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm vượt qua Tuyến kiểm soát thực tế tiến vào lãnh thổ Ấn Độ, cho rằng “đây là một bước phát triển lớn”.

Theo ANI, quân đội Trung Quốc đã điều khoảng 7 đến 8 xe hạng nặng từ doanh trại ở Chepuzi tới Tuyến kiểm soát thực tế ở phía Ấn Độ. “Đáp lại, lực lượng an ninh Ấn Độ đã triển khai lực lượng phòng ngừa để ngăn chặn mọi cuộc xâm lược”.

Mạng The Hindu ngày 31/8 đã đăng một bài báo có tựa đề “PLA đã kiểm soát một nghìn kilomet vuông lãnh thổ của Ấn Độ trên Tuyến kiểm soát thực tế”, trích lời quan chức cấp cao chính phủ Ấn Độ tiết lộ, một báo cáo tình báo cho thấy PLA hiện kiểm soát khoảng 1.000 km vuông phần lãnh thổ thuộc về phía Ấn Độ dọc Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) tính từ điểm tuần tra thứ 10 đến điểm tuần tra thứ 13 ở Depsang Plains.

Người này cũng nói rằng từ Depsang Plains đến Chushur, PLA đang tiến hành một cách có hệ thống việc đẩy Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) sang phía lãnh thổ Ấn Độ.

Trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ ngày 1/9 cho biết người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, Tham tán Kê Dung (Ji Rong), khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về tình hình ở biên giới Trung-Ấn đã nói: “Vào ngày 31/8, quân đội Ấn Độ đã phá hoại nhận thức chung đạt được qua các cuộc gặp nhiều cấp trước đó giữa hai bên, vượt qua trái phép đường ranh giới ở gần đèo Reqin khu vực phía nam hồ Pangong thuộc đoạn phía tây biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, ngang nhiên khiêu khích và một lần nữa gây căng thẳng ở biên giới”.

Binh sĩ Ấn Độ tại một chốt tiền tiêu (Ảnh: Deutsche Welle).
Binh sĩ Ấn Độ tại một chốt tiền tiêu (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã viết trên mạng xã hội WeChat, chỉ trích phía Ấn Độ “cơ hội chủ nghĩa”, dọa dẫm “thực lực Trung Quốc mạnh hơn Ấn Độ gấp mấy lần, họ hoàn toàn không phải đối thủ của chúng ta. Phải kiên quyết đập tan ảo tưởng lấy yếu chống mạnh của phía Ấn Độ bằng cách thông đồng với Mỹ và các thế lực khác. Lịch sử châu Á và thế giới cho chúng ta biết rằng các thế lực cơ hội đều bắt nạt yếu và sợ mạnh, Ấn Độ là biểu hiện điển hình của chủ nghĩa cơ hội trong vấn đề biên giới Trung-Ấn”.

Hồ Tích Tiến đưa ra lời cảnh cáo: "Khi phía Ấn Độ liều lĩnh đánh vào lằn ranh cuối của chúng ta, chúng ta quyết không thể nương tay. Chúng ta phải ra tay khi cần thiết và phải đảm bảo đánh là thắng. Phải khiến mọi cuộc xung đột nổ ra đều trở thành một bài học cho Ấn Độ”.

Từ các thông tin của hai phía Trung Quốc, Ấn Độ có thể thấy, các ngày 31/8 và 1/9 binh lính hai bên tiếp tục xảy ra ẩu đả ở khu vực phía nam Hồ Pangong. Việc một sĩ quan Ấn Độ bị trúng đạn chết có thể sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng thêm.