Hoạt động đa dạng và phong phú
Ông đã in dấu ấn sâu sắc vào nhiều sự kiện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chống Mỹ cứu nước, vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang ở Campuchia, vào công cuộc đổi mới đất nước cũng như tham gia hoạch định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta cả về đối nội và đối ngoại.
Công lao to lớn của ông được ghi nhận bằng Huân chương Sao vàng là Huân chương cao quí nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công và Quân công, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quí khác của Đảng, Nhà nước ta và của các nước.
Đại tướng Lê Đức Anh có cuộc đời hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú, đứng ở nhiều vị trí đương đầu với khó khăn, thử thách khắc nghiệt trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 5 năm 1938, hoạt động trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh, Phú Riềng và các tỉnh Nam Bộ cho đến Cách mạng Tháng 8-1945.
Từ tháng 8-1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến chính trị viên Tiểu đoàn.
Từ năm 1948 đến năm 1954, ông đã kinh qua nhiều chức vụ như Tham mưu trưởng các Quân khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và từ năm 1955 đến năm 1963, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ tháng 2-1964 đến năm 1975, ông trở lại Miền Nam chiến đấu trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam.
Từ tháng 5-1976 đến năm 1986, ông được giao nhiều trọng trách lớn như Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Trưởng đoàn Chuyên gia Việt Nam ở Campuchia.
Năm 1986, ông là Tổng Tham mưu trưởng và là Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991. Ông được bầu làm Chủ tịch nước từ năm 1992 đến năm 1997.
Tham gia Quân đội, ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958, phong vượt cấp lên Trung tướng năm 1974. Năm 1980 là Thượng tướng và năm 1984 là Đại tướng. Ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhiều khóa, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là cố vấn của Trung ương Đảng từ năm 1997 đến năm 2001.
Sau khi nghỉ công tác, ông vẫn nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, có tầm chiến lược đối với Đảng và Nhà nước ta. Ngoài những đóng góp to lớn cho cách mạng và đất nước, có thể coi ông là một trong những kiến trúc sư, tham gia quan trọng vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - Trung Quốc.
Nhớ lại những thời điểm quyết định đầy cam go và đối mặt với không ít những quan điểm trái chiều, vị Đại tướng cười bảo: “Có người cho tôi là “thân Trung Quốc”, rồi sau khi xảy ra chuyện ta khai thông quan hệ với Mỹ như thế thì lại cho tôi là “thân Mỹ”. Tôi chỉ cười."
Nhưng từ đây tôi mới rút ra một điều rằng, quan hệ của ta với Trung Quốc và với Mỹ là hai mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam. Các nước lớn thì thường vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Còn ta là nước nghèo và so với họ thì là nước nhỏ, nên trong quan hệ với mỗi nước đó ta cần suy nghĩ rất kỹ, và dĩ nhiên phải đứng trên lập trường độc lập và lợi ích dân tộc của ta”.
Lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải là tối thượng, với vị tướng già, đó đơn giản là một lẽ sống, một điểm tựa để ông quyết định phải - trái, đúng - sai và khi đã tin, đã quyết là theo đuổi đến cùng.
Người khởi xướng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, tôi có nhiều dịp được tham gia các Đoàn do ông lãnh đạo đi thăm và làm việc tại nhiều địa phương và các nước ở nhiều châu lục. Đặc biệt trong những năm quan hệ láng giềng căng thẳng và phức tạp, chiến tranh biên giới phía bắc, đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, tôi đã viết nhiều bài bình luận lên án bành trướng xâm lược.
Với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã trực tiếp duyệt một số bài do tôi viết. Ông đọc đi đọc lại bài viết, chỉ cho tôi những đoạn cần phải viết lại cho chặt chẽ và sâu sắc mà không trực tiếp sửa như một số nhà lãnh đạo khác. Tôi đã chữa bài theo chỉ đạo của ông.
Chữa xong, ông đọc lại kỹ lưỡng trước khi phê duyệt đồng ý cho đăng báo. Được gần ông trong các chuyến công tác, tôi kính trọng ông như là một chính khách có tầm nhìn xa rộng, một nhà lãnh đạo chính trị quân sự có thực tiễn hoạt động phong phú và dày dạn kinh nghiệm.
Ông đã đề xuất việc xây dựng quân đội tinh gọn, hiện đại có tính sẵn sàng chiến đấu cao và cắt giảm lực lượng vũ trang để tập trung cho phát triển đất nước trong thời điểm nhất định.
Ông là người khởi xướng và đề xuất việc Đảng và Nhà nước ta phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân những tấm gương phụ nữ cao quí hy sinh chồng con trong các cuộc chiến tranh yêu nước. Nhân dân và lịch sử ghi nhận và đánh giá công bằng sự hy sinh và đóng góp của ông cho đất nước.
Đánh giá về ông có lẽ không có gì ngắn gọn mà đầy đủ hơn lời của người đồng chí sát cánh cùng ông trong cả thời chiến lẫn thời bình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Với ngần ấy công sức, tâm lực, cống hiến cho đất nước và dân tộc, anh xứng đáng được trân trọng”.