Đại tá Võ Trọng Hải vừa được Bộ Công an trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh tháng 3/2019. Ảnh: Vương Trần.
|
Bản lý lịch của nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh, Đại tá Võ Trọng Hải ghi ngắn gọn: Sinh năm 1968, nhập ngũ 1988. Ít người biết, Hải cũng xuất thân từ lính trinh sát.
Trong đêm muộn, sang canh ba, năm 2009, Võ Trọng Hải lúc bấy giờ đang là đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đẩy cửa bước vào khi thấy phòng của khách đang sáng đèn.
Câu chuyện lúc nửa đêm được kể chân tình: "Trước, lúc còn trẻ, tớ rất nghịch, quậy loạn cả lên. Ở cái bến xe Hà Tĩnh, tớ nghịch có tiếng. Một ngày, anh tớ gọi về, hỏi một câu: "Sức mày, có thể giúp người. Mày có muốn làm một người tử tế hay không, hay suốt đời chỉ thích làm thằng phá hoại?" Thế là tớ nhập ngũ, bắt đầu từ nghề trinh sát, lang thang khắp nơi".
Trong những câu chuyện khi đã cởi mở, Võ Trọng Hải luôn say sưa với những chuyên án ma túy để giữ vững đường biên giới luôn bình yên. Ảnh: GVT.
|
“Không được dân thương, tôi xanh cỏ rồi”
Năm 2014. HD 981, giàn khoan lừng lững tìm cách hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cũng thời điểm ấy, Formosa, đại dự án dưới chân đèo Ngang chưa hoạt động. Cuộc công kích cá chết chỉ diễn ra vào 2016 khi Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.
Chỉ vỏn vẹn trong vòng vài tiếng đồng hồ, từ Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn..., Formosa tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị đánh úp. Hàng ngàn nguời dân tụ tập phản đối, ném đá và đòi phá rào để xông vào khu vực dự án này.
Chiếc Land Cruise chạy ào ào từ thành phố Hà Tĩnh lao thẳng vào cổng chính Formosa. Giữa một biển người cuồng nộ, một bóng áo xanh biên phòng trèo thẳng lên nóc capo xe, nổ 3 phát súng.
Tất cả giật mình quay lại. "Anh Hải kìa...!". Những cơn sóng cuồng nộ như dịu lại. Những người dân mắt đang đầy giận dữ cũng nguôi ngoai, lục tục ra về.
Đại công trình dự án Formosa đóng sát mép biển Kỳ Anh. Biển khơi nhìn luôn trong xanh, nhưng ẩn sâu trong nước luôn mặn mòi vị muối.
Nhiều tháng sau, tại Hà Nội, Võ Trọng Hải không bận bộ quân phục đại tá, ngồi cười kể lại: "Hôm đó không được dân thương, dân biết, giờ này tôi xanh cỏ rồi".
Mọi sự trân quý từ giáo dân Hà Tĩnh dành cho anh, vốn dĩ có căn nguyên ân tình từ rất nhiều năm trước đó.
Năm 2013, Võ Trọng Hải "bật mí" chuyên án bắt trùm ma túy Xiêng Phênh, tử tù hiếm hoi thoát án dựa cột trong lịch sử tư pháp Việt Nam. Ảnh: GVT.
|
Năm 2011, đang theo học trường sỹ quan tại Đà Lạt, Hải được triệu hồi. Người dân công giáo xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức phong tỏa làng, bắt giữ cán bộ huyện lẫn công an huyện, cán bộ tỉnh đội để phản đối dự án Formosa ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế của họ.
Sự việc nóng tới đỉnh điểm, 4.700 dân ngừng mọi công việc, chia thành 5 vòng vây phong tỏa làng, đóng cửa với mọi thương thuyết của chính quyền.
“Mình với anh Thường (Đại tá Nguyễn Trọng Thường, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh) đi một xe vào, dân chặn lại, đòi bắt. Mình xuống xe, nói với dân: Bộ đội là con em của nhân dân, bà con bắt bộ đội thì khác gì bắt con em của mình? Tôi vào đây vì đã có hẹn với cha xứ”, thượng tá Hải kể.
Trước đó, hàng loạt cuộc liên lạc khác đã được Võ Trọng Hải thực hiện. Khi gọi cho cha xứ, cha không đảm bảo về an ninh. Hải tìm cách liên lạc với đức cha cấp trên.
Khi vào được rồi, thấy vòng vây của dân rẽ ra, Hải mới điềm đạm phân tích với ban hành giáo: “Mọi dự án có thể ảnh hưởng lợi hoặc hại, cái đó còn phải xem xét nhiều khía cạnh. Nhưng các cha để thế này, trẻ con thì không được đi học, 4.700 dân bỏ công ăn việc làm, thì ảnh hưởng tới bát cơm của họ. Chẳng lẽ các cha đành lòng nhìn dân bị đói?”.
Các cha nghe xong thì đồng ý, trả lời luôn: “Nếu bộ đội biên phòng đã nói thế này, thì giáo dân sẵn sàng giang rộng tay đón chính quyền vào đối thoại”.
BĐBP Hà Tĩnh lại là nhịp cầu nối, để sau đó 6 cán bộ của UBND tỉnh Hà Tĩnh vào được Kỳ Lợi, kết thúc một điểm nóng trong nhẹ nhàng, mà trước đó đã rất căng thẳng.
Đại tá Võ Trọng Hải không ngần ngại nhận xét rằng trong công tác dân vận liên quan tới tôn giáo, “nhiều lúc cán bộ của mình không hiểu, cái cần nhất là phải chân tình. Chương trình “Mái ấm biên cương” của lực lượng biên phòng, riêng ở Hà Tĩnh, “cứ nhà dân dột nát, khó khăn trên tuyến biên giới là tôi cho xây lại hết, không phân biệt lương hay giáo. Xây 100 căn mới hoàn toàn, mời bà con vào ở.
Vào nhà thờ lúc nào tôi cũng chào rất thành tâm. Mình làm như vậy, các cha đã biết từ lâu, nên khi biên phòng đứng ra làm cầu nối, các cha mới tin”, thượng tá Hải bật mí.
Năm 2009, Võ Trọng Hải lúc đang là Thiếu tá, say sưa kể về cách mà anh đã được người dân Thoọng Pẹ xem anh như "người con của bản". Ảnh: GVT.
|
Cái sự chân tâm đó, là cách thuyết phục tốt nhất đối với dân. Tháng 8/2007, lũ về, đường 8A từ đỉnh Keo Nưa về xuôi bị cắt đứt, cô lập trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cầu Treo, hơn 300 hành khách kẹt lại suốt nhiều ngày.
Hết lương thực, khách có tiền cũng không mua được thức ăn, Võ Trọng Hải lúc bấy giờ đang là đại úy, trạm trưởng cái trạm kiểm soát biên phòng nằm cheo leo trên đỉnh Keo Nưa ra lệnh mở kho gạo dự trữ, nấu cơm nuôi dân, chờ ngày thông đường.
Hết thực phẩm, Hải lọ mọ đội mưa sang bàn với hải quan, lôi 2 con lợn tăng gia còn lại trong chuồng mổ nốt, mời dân miễn phí.
Trời mưa như trút, sương mù mờ mịt, hình ảnh màu áo xanh biên phòng, hải quan lúi húi làm thịt lợn nấu cơm mời dân ăn qua ngày, khiến không ít hành khách lỡ đường mắc kẹt trên đỉnh Keo Nưa bật khóc thời điểm đó, khi bưng bát cơm ấm tình quân dân lên miệng.
Ngày thông đường về xuôi, chúng tôi chứng kiến những hành khách bịn rịn bước chân lên xe, rồi lại chạy xuống ôm chặt lấy những người lính biên phòng, khóe mắt rưng rưng, không nỡ rời xa.
Từng ngày, từng tháng, từng năm, từng việc làm cụ thể thay cho lời nói của màu áo xanh biên phòng, mỗi người dân vùng biên giới Việt - Lào đã tin, mỗi hành khách qua đường đã tin, khiến vùng biên cương càng thêm vững chắc trong lòng dân, thì các chuyên án ngày càng được mở rộng bán kính phòng ngự.
Khiên thép trấn biên
Bản Thoọng Pẹ (tên tiếng Anh là Thoong Pei - NV) thuộc huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay, nước CHDCND Lào, nằm cách đường biên giới Việt-Lào 15km. Nơi đây là điểm dân cư cuối cùng trước khi vào địa phận khu vực cửa khẩu Nậm Phao phía Lào.
Những ngôi nhà sàn ở bản Thoọng Pẹ nằm trên những ngọn đồi thấp, gần với đường quốc lộ 8A. Người dân tộc Mông chiếm hơn 70% dân số trong bản. Đứng trên ngọn đồi cao nhìn xuống đường 8A, thấy bản Thoọng Pẹ chia đôi nằm men dọc đường, kéo mãi vào tận sâu trong núi.
Tang vật một chuyên án đánh bắt ma túy trên đất bạn của lực lượng phòng chống ma túy - Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh. Ảnh trinh sát cung cấp.
|
Câu chuyện Thoọng Pẹ của trước năm 2002 là trồng cây thuốc phiện và đi rừng làm gỗ. Đến mùa, hoa anh túc nở bạt ngàn, trắng cả núi rừng. Người dân không biết trồng lúa, dù đất đai rộng rãi, màu mỡ. Người dân không biết trồng rừng, làm kinh tế. Nguồn thu nhập duy nhất là trồng cây thuốc phiện, bán đi với giá rất rẻ. Cũng vì vậy, ở Thoọng Pẹ người nghiện rất nhiều.
Năm 2002, Võ Trọng Hải về Cầu Treo. Nhiều lần sang giao ban với biên phòng nước bạn, câu chuyện bản Thoọng Pẹ đêm đêm sáng ánh đèn bàn, thơm lừng khói thuốc phiện khiến Hải băn khoăn nghĩ cách tìm đường ra.
Chỉ nằm cách đường biên 2 nước 15km, ma túy ăn sâu vào thói quen sinh hoạt của người dân, thì sớm hay muộn nếu không dẹp được bàn đèn, nơi đây sẽ trở thành điểm tập kết ma túy sát biên, trước khi vào Việt Nam qua đường rừng.
Đầu năm 2002, nhận lệnh của Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, Hải đem 15 quân sang Thoọng Pẹ. Những ngày đầu, cả bản cắm lá xanh không tiếp khách. Hải chỉ còn nước nhờ người bạn Vừ A Dinh trước cùng đi lính dẫn mối vào gặp trưởng bản Vừ Nỏ Văn.
Những ngày đầu, người dân Thoọng Pẹ ngờ vực ngồi bó gối trước cửa nhà sàn ngó mấy anh bộ đội Việt Nam hỳ hục cải tạo cánh đồng Na Pê là sân bay cũ thành một cánh đồng lúa nước. Mùa lúa đầu tiên, thóc chín vàng, thu hoạch xong thì… phát hết cho dân.
Để có thể nói chuyện được với dân, cá khô và nước mắm, những thực phẩm người Mông ở Thoọng Pẹ thích nhất, cũng là món quà quý đối với người dân miền núi, được Hải chở cả xe ô tô sang phát. Kẹo cu đơ, một thứ kẹo ngọt nấu từ mật mía và lạc, cũng được Hải chở sang làm quà. Quà kẹo cu đơ mỗi lần chở sang, cũng là cả… xe ô tô.
Dân có thể cởi mở rồi, Hải bắt đầu thuyết phục dân bỏ trồng cây thuốc phiện. Dân hỏi lại: “Không trồng cây thuốc phiện, vậy lấy gì mà cho vào miệng?”. Vậy là, Hải lại phải loay hoay vận dụng các mối quen biết, nhờ một Việt kiều Thái Lan tên Tấn tư vấn.
Anh Tấn cho 1 tấn gừng giống, Hải đem về giao cho già làng, trưởng bản đem trồng, với điều kiện thu hoạch xong thì phải phát cho dân. Chỉ một năm sau, cả bản Thoọng Pẹ lấy cây gừng làm nguồn sống.
Từ gừng, cả bản giàu lên trông thấy. Có gia đình mỗi năm thu hoạch tới… 10 tấn gừng. Khi hoa gừng đã có thể thay màu hoa anh túc, đầu năm 2003, Hải đã tự tin về báo cáo với Bộ Chỉ huy: “Đã thanh toán xong cây thuốc phiện ở Thoọng Pẹ”.
Xưởng điều chế tiền chất ma túy trong chuyên án 466 LV bị lực lượng biên phòng Hà Tĩnh triển khai triệt phá trên đất bạn Lào. (Ảnh trinh sát cung cấp).
|
Được ví như một "hổ tướng" trấn giữ biên giới Việt Nam - Lào, tại địa bàn Hà Tĩnh nhiều năm, Đại tá Võ Trọng Hải tâm sự rằng đối với những người lính biên phòng, "ma túy, vũ khí, tài liệu an ninh quốc gia" luôn là lằn ranh đỏ, phải bắt.
Võ Trọng Hải khẳng định, các chuyên án phối hợp với an ninh nước bạn, là một trong nhiều phương án để mở rộng tầm bán kính kiểm soát, ngăn chặn tội phạm từ xa, trước khi tội phạm có cơ hội xâm nhập được vào biên giới.
Trong câu chuyện sôi nổi thường gặp khi kể về những trận đánh án, Võ Trọng Hải tự hào khi nói rằng điều Hải mừng nhất là tất cả cán bộ, chiến sỹ đều đảm bảo được an toàn về người và vũ khí sau mỗi trận đánh.
Ngày 22/6/2003, bắt Xầu Xồng, chuyên án 503-X, thu 4 bánh heroin, Xầu Xồng ném lựu đạn vào đội hình vây bắt, không thiệt hại lực lượng. Ngày 26/4/2005, chuyên án 054-M, bắt Trần Đình Thỏa cùng 2 đối tượng, thu 400 gram heroin, 3 súng quân dụng, 25 viên đạn, 1 quả lựu đạn, 28.000 USD, 170 triệu đồng.
11 đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án 466 LV. Ảnh trinh sát cung cấp.
|
Ngày 25/4/2007, bắt Vừ Vả Tồng, chuyên án 407-C, thu 19 bánh heroin, 1 xe ô tô. Ngày 10/4/2010, bắt 3 đối tượng người Lào, thu 20 bánh heroin trên địa bàn nước Lào.
Ngày 8/6/2011, bắt Phu Viêng, chuyên án 412-LV, thu 9 bánh heroin, 30.000 viên ma túy tổng hợp, 1 xe ô tô, 110.000 bạt Thái Lan. Ngày 28/12/2012, bắt Trần Văn Lưu, chuyên án 445-L, thu 60 bánh heroin...
Còn ngày 8/4/2012, chuyên án 432-LV, bắt Xiêng Phênh, "người quen" cũ thoát án tử hình trước giờ "dựa cột" trong lịch sử tư pháp Việt Nam, thu 39 bánh heroin và 250.000 đô la Mỹ.
“Có những chuyên án, mình phải thức trắng vài ba đêm liền để tính toán phương án. Tội phạm tuyến biên giới cực kỳ manh động, đặc biệt là tội phạm ma túy luôn dùng vũ khí nóng, chỉ một chi tiết phối hợp sai giữa các lực lượng là tổn thất ngay”, thượng tá Hải chia sẻ.
Hàng chục năm quân ngũ, từ lính lên tới cấp chỉ huy, từ trạm trưởng trạm kiểm soát cửa khẩu Cầu Treo, rồi là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh, đến nay là Giám đốc Công an tỉnh này, Đại tá Võ Trọng Hải đã giữ gìn được sự an toàn tuyệt đối cho lính dưới quyền bằng cái sự cẩn trọng theo nguyên tắc đó.
Bản báo cáo của Biên phòng Hà Tĩnh ghi rõ: Đại tá Võ Trọng Hải trực tiếp chỉ đạo và tham gia đấu tranh thắng lợi 125 chuyên án, vụ án, bắt 232 đối tượng, trong đó 100 vụ/ bắt 115 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy, thu 72,4 kg heroin, 1.712 kg cần sa, 1.775.664 viên ma túy các loại, 11,9 kg methampheptamin (ma túy đá), 66 khẩu súng quân dụng, 4.985 viên đạn, 5 quả lựu đạn, 18 quả mìn.... |