Đài Loan quyết tự đóng tàu đổ bộ trực thăng đối phó Trung Quốc

VietTimes -- Bộ tư lệnh Hải quân Đài Loan đưa ra ý định đặt hàng các công ty nội địa phát triển tàu đổ bộ trực thăng mới. Chiếc tàu đổ bộ trực thăng sẽ được sử dụng để tiến hành các hoạt động tác chiến đường biển và có thể sử dụng cho các máy bay thế hệ 5 như F-35.
Tàu đổ bộ trực thăng lớp "Mitral" của Pháp
Tàu đổ bộ trực thăng lớp "Mitral" của Pháp

Theo Defense Aerospace, các nhà quân sự  đưa ra một bản thống kê các yêu cầu cho con tàu mới. Sắp tới, bản thống kê này sẽ được đệ trình lên chính phủ. Chính quyền Đài Loan quyết định về ngân sách cho dự án.

Tàu đổ bộ trực thăng nhằm mục đích tiến hành triển khai nhanh các đơn vị quân đội và trang thiết bị quân sự đến khu vực xung đột. Trên boong tàu của những chiến hạm khổng lồ này là sân bay các máy bay trực thăng chiến đấu khác nhau, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển cơ sở vật chất quân sự và binh lực, trinh sát, giám sát và tiến hành các cuộc tập kích đường biển đánh vào các mục tiêu của đối phương trên đất liền. Máy bay trực thăng trên tàu đổ bộ cũng thực hiện hiệu quả sứ mệnh tuần tra bờ biển.

Tàu đổ bộ trực thăng Đài Loan, theo yêu cầu đặt ra của các quan chức quân sự, có lượng giãn nước khoảng 22.000 tấn, chiều dài 220 mét. Tốc độ cực đại của chiến hạm không được thấp hơn 30 hải lý/giờ. Số lượng máy bay chiến đấu trên tàu không được xác định, nhưng các quan chức quân sự cho rằng, đường băng trên mặt bong phải đủ để có thể cùng lúc cất và hạ cánh 6 trực thăng hạng nặng.

Theo yêu cầu đặt ra đối với tàu sân bay, vũ khí trang bị trên tàu bao gồm có tổ hợp pháo 76 mm và một hệ thống tên lửa phòng không. Tàu cần được trang bị radar tiên tiến với ăng-ten mảng pha chủ động và sonar. Chiến hạm được biên chế máy bay trực thăng và các loại máy bay cất cánh thẳng đứng, ví dụ máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35C Lightning II.

Hiện có nhiều công ty quốc tế có khả năng đóng các tàu đổ bộ trực thăng, trong đó phải kể đến công ty Pháp DCNS, Daewoo Shipbuilding & Engineering Marine của Hàn Quốc, công ty đóng tàu Schelde của Hà Lan và Navantia của Tây Ban Nha. Các công ty này đã phát triển các tàu đổ bộ trực thăng như Mistral, Dokdo, Rotterdam và Juan Carlos I.

Lượng giãn nước của tàu đổ bộ Pháp Mistral là 21.300 tấn, dài 192 mét, rộng 32 mét và ngấn nước là 6,2 mét. Tàu có tốc độ cực đại là 19 hải lý và tầm xa hoạt động 11.000 dặm biển. Mistral có khả năng mang tới 60 xe thiết giáp lội nước hoặc 450 lính thủy đánh bộ với 13 xe tăng hoặc 70 chiếc xe cơ giới. Phi đoàn không quân trên tàu đổ bộ có 16 máy bay trực thăng tấn công.

Mặc dù triển khai đóng một chiếc tàu đổ bộ trực thăng sẽ đắt hơn nhiều so với việc đặt hàng một chiếc tàu từ nước ngoài, nhưng Bộ quốc phòng Đài Loan không thể mua được. Trung Quốc không chấp nhận Đài Loan độc lập và quyết liệt chống lại vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan. Do quan ngại làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc, các nước phương Tây (ngoại trừ Mỹ) không bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Đài Loan.

QA