Chất lượng của những đảng viên 1945 cao hơn nhiều năm 2015
Hội nghị Trung ương 13 vừa qua đã nhất trí về Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI với tiêu đề: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Bình luận về điều này VOV, GS Hoàng Chí Bảo ( Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương) cho rằng: "Điều vừa trích dẫn là toàn văn chủ đề của đại hội. Đây là vấn đề quan trọng đầu tiên để ta xem xét, đánh giá về nội dung, giá trị, ý nghĩa của văn kiện lần này. Trên thực tế, ban chỉ đạo soạn thảo văn kiện do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã hoạt động từ nhiều năm nay".
GS Bảo cũng nhận định: Khi văn kiện đã hoàn thành qua mấy lần Trung ương thảo luận thì đã công bố rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thảo luận, kể cả ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đóng góp rất tâm huyết đó, vừa rồi, Ban chỉ đạo đã tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện thêm. Hội nghị 13 vừa rồi chính thức thông qua toàn văn văn kiện, trong đó có chủ đề này.
Hai điểm mới trong chủ đề mà Hội nghị 13 đưa ra, theo GS Bảo đó là: "Trước kia Đảng nhấn mạnh“nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” lên hàng đầu thì giờ Đảng ta nhấn mạnh vế “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, gắn liền với chỉnh đốn. Đó là điều tiên quyết vì có trong sạch với vững mạnh. Mà có trong sạch vững mạnh thì mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu".
Điểm mới thứ 2, GS Bảo cho rằng: Đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc là tổng hợp các nguồn lực, trong đó có vấn đề đại đoàn kết, đó là yếu tố nội sinh.
Có lẽ đây là lần đầu tiên mà văn kiện Đảng đưa ra trình đại hội toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng một thông điệp là giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và coi phát huy lòng yêu nước, phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia, để cuối cùng mới tạo ra được điều kiện thực tế để đưa nước ta sớm thành nước công nghiệp hiện đại.
"Tôi cho rằng, chủ đề đó thoát lên tư tưởng cơ bản, chủ đạo vào bao quát ý nghĩa phát triển mà thể hiện trong 15 vấn đề lớn của báo cáo chính trị cũng như những vấn đề đặt ra trong báo cáo kiểm điểm 5 năm về kinh tế xã hội của đảng. Đó là 2 văn kiện then chốt nhất mà chủ đề này phát ra tinh thần đó" - GS Bảo nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Phạm Xanh, Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, điểm đáng nói cho đến giờ, Đảng ta nhiều về số lượng, 4,5 triệu đảng viên. "Như vậy, có thể nói rằng, gấp rất nhiều lần đảng viên thời Cách mạng Tháng 8. Thời đó, chúng ta chỉ có 5.000 đảng viên, phần lớn lại đang nằm trong lao tù của thực dân Pháp nhưng đã lãnh đạo được dân tộc này làm cuộc tổng khởi nghĩa và giành được chính quyền về tay mình. Tôi cho rằng, chất lượng của những đảng viên 1945 cao hơn nhiều chất lượng của năm 2015".
"Tham nhũng là những người có quyền lực"
Vẫn theo PGS.TS Phạm Xanh, trích các văn kiện của Đảng đã chỉ ra, những người tham nhũng là những người có quyền lực, mà có quyền lực lớn phần lớn lại có trong tay những đảng viên nên Đảng ta mất uy tín bởi có những phần tử sâu mọt nằm trong Đảng, đục khoét, làm rỗng đất nước này. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường làm trong sạch Đảng, đó là thông điệp đầu tiên mà Đại hội Đảng lần thứ XII này muốn chuyển đến cho toàn bộ dân tộc và kêu gọi toàn bộ dân tộc, những người có trách nhiệm với đất nước, cùng với Đảng làm trong sạch Đảng.
"Trong vấn đề lý luận, có những khái niệm mâu thuẫn nhau, không hợp thời. Ví dụ như khái niệm đại đoàn kết dân tộc mâu thuẫn với dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì lần đầu tiên trong văn kiện, chúng ta đưa ra khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa, hướng tới một nước XHCN. Có XHCN thực sự thì mới làm đc dân chủ XHCN.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ, thời kỳ này cần sử dụng những khái niệm khác để củng cố khối đoàn kết của dân tộc không bị chia rẽ. Có những khái niệm trăm năm nữa mới thích hợp nhưng ở thời điểm này chưa thích hợp.
Vì vậy, rút kinh nghiệm với các nhà soạn thảo các văn bản phải rà soát lại những khái niệm, những khái niệm đó không được mâu thuẫn, không được làm hại nhau. Làm thế nào để dân có thể chấp nhận được? Tôi cho rằng, trong một số khái niệm nó bị khập khễnh chứ không phải tất cả" - PGS Phạm Xanh thẳng thắn.
Nhân sự Đại hội: Đã rất cẩn trọng
Còn gần 20 ngày nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra, công tác nhân sự đang được dư luận hết sức quan tâm.
PGS.TS Phạm Xanh nói ông kỳ vọng vào sự chuẩn bị của Đảng ở Đại hội lần này. Rút kinh nghiệm của các lần đại hội trước và của các hội nghị, chúng ta làm có thể nói là không chặt chẽ nên rất nhiều người không trong sạch, phẩm chất đạo đức đã đi xuống vẫn có thể vào trong Đảng, vẫn có thể vào ngồi trong BCH Trung ương. Cái đó trở thành những suy nghĩ, ám ảnh đối với người dân khi Đại hội XII sắp họp.
"Trong hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề xuất một ý mà tôi cho rằng cực kỳ thú vị là các đại biểu viết bằng tay đề cử những người vào BCH Trung ương hoặc vào 4 chức vụ cao nhất, chủ chốt trong Đảng. Tôi cho rằng đó là sự chuẩn bị đầy trách nhiệm khi chọn người vào ghế lãnh đạo. Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị một cách chu đáo, chúng ta sẽ có được một lớp người lãnh đạo, trẻ trung, đầy sáng tạo và đưa đất nước đi lên từng bước một" - PGS.TS Phạm Xanh nói.
Còn theo GS Hoàng Chí Bảo, chúng ta đã phát huy tinh thần dân chủ ngay trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, để xem xét tiêu chuẩn về tài năng, đức độ, phẩm chất chính trị. Chúng ta nhớ là hội nghị Trung ương 11 đã đưa ra một tuyên bố, quyết tâm chính trị lớn được lòng dân, làng đảng là “lần này quyết không để những kẻ lắm tiền, nhiều của, giàu có bất minh, bất chính lọt vào được TW”. Nhưng điều quan trọng là cơ chế nào, biện pháp nào và những đảm bảo an toàn như thế nào về phương diện con người để thực hiện được điều tốt đẹp đó?
Theo Tin tức