Theo CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD), trong tháng 5/2022, tập đoàn này đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Phú Nhuận 168 (Phú Nhuận 168) với tổng giá chuyển nhượng là 183,2 tỉ đồng. Thương vụ này giúp CTD ghi nhận khoản lãi 70,6 tỉ đồng trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
Đáng chú ý, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong tháng 5/2022, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Phú Nhuận 168 đã được chuyển giao từ bà Khuất Thị Phương Thảo sang ông Lâm Bội Minh.
Sinh năm 1946, ông Lâm Bội Minh được biết đến là nhà sáng lập thương hiệu Phúc Long Coffee & Tea tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Ra đời từ những năm 1968, song phải tới năm 2012, Phúc Long mới chính thức mở rộng hoạt động trong ngành đồ uống và nhanh chóng trở thành một hiện tượng ở lĩnh vực này.
Đến tháng 5/2021, ông Lâm Bội Minh và hai cá nhân khác thành lập CTCP Phúc Long Heritage (Phúc Long Heritage) với quy mô vốn điều lệ 260 tỉ đồng.
Đây có thể xem như động thái mở đường cho CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) thâu tóm chuỗi đồ uống Phúc Long, khởi đầu với việc chi 15 triệu USD mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage.
Tới tháng 2/2022, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang rót thêm 110 triệu USD để thâu tóm thêm 31% cổ phần, qua đó nắm chi phối Phúc Long Heritage. Thương vụ đã đưa định giá chuỗi cửa hàng trà và cà phê danh tiếng lên mức định giá gây choáng ngợp với phần đông thị trường: 355 triệu USD (tương đương 8.100 tỉ đồng).
Là "cha đẻ" của chuỗi Phúc Long và cũng là cổ đông sáng lập, nắm cổ phần chi phối ở Phúc Long Heritage từ những ngày đầu hoạt động, ông Lâm Bội Minh sẽ nhận về cả ‘núi tiền’ từ thương vụ.
Nhà sáng lập Phúc Long dĩ nhiên không muốn ‘ngồi yên’ trên núi tiền ấy. Với nhiều đại gia Việt Nam, để tiền tiếp tục đẻ ra tiền thì đầu tư bất động sản luôn là lựa chọn được họ ưu tiên.
Cuộc chơi địa ốc của ông Lâm Bội Minh, như đã nêu ở phần đầu bài viết, phần nào được thể hiện ở vai trò CEO Phú Nhuận 168.
Phối cảnh dự án được cho là ở địa chỉ Số 168, đường Thích Quảng Đức, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM |
Theo tìm hiểu của VietTimes, Phú Nhuận 168 được Công ty TNHH Covestcons – công ty con của CTD – mua lại 69,98% cổ phần vào tháng 8/2019.
Thông qua thương vụ này, CTD có được quyền sử dụng đất tại Thửa đất số 54, Tờ bản đồ số 11- BĐĐC, Số 168, đường Thích Quảng Đức, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Khu đất có diện tích 1.504,3 m2 và được UBND Tp. HCM cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 28/8/2013.
Nên biết, ban lãnh đạo CTD từng dự kiến sẽ xây dựng một toà nhà trên khu đất nêu trên cho mục đích đầu tư căn hộ để bán và cho thuê.
Ngoài việc triệt thoái vốn khỏi Phú Nhuận 168, trong quý 2/2022, CTD còn trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 242 tỉ đồng cho dự án D'Capitale của Tân Hoàng Minh.
Tính đến ngày 30/6/2022, CTD đã trích lập hết khoản nợ xấu 483,6 tỉ đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên của Tân Hoàng Minh./.