Thảo luận tại hội trường chiều nay (12/6), đại đa số ĐBQH đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm đối với nhóm lao động đặc thù. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng cần quy định cụ thể và đồng bộ với các chính sách khác để đảm bảo an sinh xã hội.
Thống nhất việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, nhiều ĐBQH nhận định việc này phù hợp với khả năng lao động, thực tế già hóa dân số, hội nhập quốc tế.
Phương án 1 trong dự thảo: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. |
ĐB Mẫn cho rằng, lộ trình này không làm hạn chế chỗ làm việc của người bước vào tuổi lao động. Hơn thế nữa, phương án này tạo đủ thời gian để cải thiện điều kiện lao động và sức khỏe cho người lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.
“Tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm. Đến nay tất cả các điều kiện về kinh tế xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân về yêu cầu phát triển đất nước đều đã thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, dự báo trong 15 năm tới Việt Nam chỉ tăng khoảng 200.000 lao động/năm. Như vậy trong tương lai chúng ta sẽ rất thiếu lao động. Đối với nữ, tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tác động đến sự phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm, nhiều quy trình về công tác cán bộ khác” - ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định sự cần thiết của việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Đồng tình ý kiến này nhưng ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần cân nhắc cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, để hạn chế tối đa mất cơ hội việc làm cho giới trẻ.
“Tuổi thọ trung bình của nước ta hơn 76 tuổi nhưng mắc nhiều bệnh. Việc tăng tuổi hưu như tờ trình nên cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ. Nên chăng tuổi nữ chỉ tăng đến 58 và nam chỉ là 62. Đây cũng là nguyện vọng không nhỏ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường” - ĐBQH Phạm Văn Hòa gợi ý.
Tránh vắt kiệt sức của người lao động
Liên quan đến quy định tăng thời gian làm thêm giờ, nhiều đại biểu đồng tình với quy định tăng thời gian làm thêm giờ lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, cần quy định thêm thời gian làm thêm giờ theo tháng, tránh tình trạng người sử dụng lao động vắt kiệt sức của người lao động trong một khoảng thời gian dài.
Bên cạnh đó, Luật cần quy định rõ tiền lương làm thêm giờ cho người lao động tính theo mức lũy tiến để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng lao động.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng công nhân cần làm thêm nhưng đó không phải là nhu cầu của tất cả người lao động.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, người công nhân cần làm thêm để có thêm thu nhập, bởi tiền lương hiện nay còn quá eo hẹp trước nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, đó lại không phải nhu cầu của tất cả người lao động nói chung, bởi ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và chăm lo cho gia đình.
“Quốc hội phải đưa ra chính sách để công nhân làm ít giờ nhưng tiền lương và thu nhập tăng thêm. Tôi nghĩ rằng phải xét trên góc độ đó để người lao động tái tạo sức lao động để làm việc tốt hơn. Như vậy vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động.
Một công nhân đủ sức khỏe, tinh thần sảng khoái, tình cảm tốt thì năng suất lao động, chất lượng làm việc mới tăng lên. Không thể cứ nghĩ vắt kiệt sức lao động của người lao động là tốt”, ĐBQH Quyết Tâm thẳng thắn.
Rút đề xuất nghỉ lễ vào ngày 27/7 Phát biểu tiếp thu, giải trình về một số nội dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về quy định bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7. Ông cho biết, Chính phủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu và chính thức xin rút quy định này ra khỏi Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi). |