Đại biểu Quốc hội đề nghị có kế hoạch “chi đúng”

VietTimes -- Ngày 1/11, Quốc hội có phiên thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công. Nhiều đại biểu cho rằng, với tình hình ngân sách hiện nay, cần phải có kế hoạch phân bổ ngân sách sao cho hợp lý.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)

Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành các quy định về đầu tư công một số nơi chưa nghiêm, quyết định đầu tư nhưng không tính toán khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức, phải bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay ngân sách của chúng ta có xu hướng bé lại và ngày càng phải đầu tư cho phát triển và nhu cầu xã hội càng phát triển, đặc biệt vấn đề an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm sao sử dụng ngân sách làm sao cho hiệu quả, phù hợp cân đối giữa các địa phương. “Trong tình hình hiện nay, chúng ta cũng phải liệu cơm mà gắp mắm, không thể chi như trước đây”, ông Lợi nói.

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), nhiều năm qua, kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm, chi vượt dự toán, chi chưa có dự toán còn lớn, phân bổ nguồn lực còn dàn trải, nợ công tăng cao, chưa kể còn 80.000 tỷ phát sinh trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, chưa bố trí nguồn trả nợ. Đáng chú ý là 22.000 tỷ đồng nợ quỹ BHXH phải trả cho người lao động, gần 40.000 tỷ ở các bộ, ngành, địa phương. Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được bố trí để chuyển các năm tiếp theo trong kế hoạch 2016-2020.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), việc phân bổ theo kế hoạch dự thảo chưa bám sát quan điểm, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình, dự án được xác định là cấp bách, trọng điểm chưa đưa vào kế hoạch.

Đơn cử, “ĐBSCL - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nơi mà dự báo đến năm 2020 có thể 2/3 ngập sâu trong nước biển, song trong 5 năm tới, kế hoạch này chỉ đầu tư một số cống, đập ngăn mặn. Các dự án, công trình của vùng này nếu không được đầu tư đồng bộ, không được quy hoạch lại sản xuất, khó có thể giữ được sự trù phú của vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”, đại biểu nói.

Cũng tại phiên họp, nhiều ĐBQH cho rằng, cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ưu tiên đầu tư vào hệ thống giao thông, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đường giáp biển kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ưu tiên dành nguồn lực cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm hợp lý, công bằng và tiết kiệm. Cần rà soát lại các tiêu chí, bảo đảm hợp lý, công khai, minh bạch và các dự án trong danh mục phải thực sự cấp bách, mang lại hiệu quả thiết thực.