|
Bộ sách giáo khoa được bày bán tại hiệu sách. |
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ sự lo lắng trước thông tin vụ việc đã được VietTimes phản ánh. Bà chia sẻ: “Khi NXB chi tiền, chúng ta có quyền nghi ngờ về tính minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng trong việc lựa chọn SGK”.
Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã giao cho cơ sở giáo dục lựa chọn sách, còn Luật Giáo dục giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn. Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, dù thẩm quyền chọn sách có thuộc về đơn vị nào, thì cũng có vai trò của Sở GD&ĐT.
“Nếu UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có vai trò tham mưu. Còn các cơ sở giáo dục có thể sẽ chịu tác động của cơ quan quản lý nhà nước (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh), không dám làm trái ý” - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn yêu cầu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh phải giải trình về việc các lãnh đạo, cán bộ của Sở này nhận được thù lao hàng tháng từ NXB Giáo dục. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, đây là động thái rất đúng đắn và rất kịp thời.
"Chúng ta đợi kết quả giải trình của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Nếu cần thiết, cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ, trả lời cho công luận" - Bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết: “Ai xuất bản thì cũng mong muốn sách của mình được sử dụng, đó là điều có thể thông cảm được. Tuy nhiên, thay vì được lựa chọn khách quan, dựa trên hiệu quả trực tiếp khi đưa vào giảng dạy, SGK được chọn thông qua việc lobby, không khách quan, không phù hợp với quy định của luật pháp”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến bày tỏ sự bất ngờ và khó hiểu về việc NXBGDVN trả thù lao hàng tháng cho thành viên Ban chỉ đạo biên soạn SGK miền Nam, từ trưởng ban đến phó ban và các thành viên với mức 6 triệu, 5 triệu… tùy theo chức danh.
“Việc trả thù lao này gây nghi ngờ về việc lobby cho cuốn sách. Và khi việc này xảy ra, việc chọn sách không bao giờ còn khách quan mà trở nên méo mó do tiền lobby đã "dẫn đường", "đề nghị" các đơn vị phải lựa chọn cuốn sách này” - ông Lê Như Tiến chia sẻ.
|
Phụ huynh chọn sách giáo khoa cho con.
|
Theo ông Lê Như Tiến, thanh tra của Bộ GD&ĐT và của TP Hồ Chí Minh phải vào cuộc làm rõ: Vì sao lại để tình trạng một nhóm người được lợi trong một thời gian dài? Họ có thực sự đóng góp cho cuốn sách không hay là chỉ là ký nhận lương để ủng hộ, lựa chọn cuốn sách đó cho khu vực TP Hồ Chí Minh và miền Nam khi nó ra đời?
Trước đó, VietTimes đã thông tin, NXB GD VN chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh từ năm 2015, nguồn chi từ Quỹ đầu tư của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Theo đó, Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam có 11 người gồm: 1 Giám đốc sở, 1 Phó giám đốc, 1 Phó Chánh văn phòng, 1 Trưởng phòng Giáo dục Trung học, 2 Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, 1 Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 2 Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 1 Chánh văn phòng và Phó Chánh văn phòng.
Trưởng Ban là Giám đốc Sở nhận 6 triệu đồng/tháng, Phó Trưởng ban là Phó Giám đốc nhận 5 triệu đồng/tháng, Ủy viên thường trực nhận 4 triệu đồng/tháng, các ủy viên còn lại nhận 3,5 triệu đồng/tháng.
Việc chi thù lao được thực hiện từ ngày 1/5/2015. Như vậy, tính riêng trong năm 2015, tổng mức chi là 344 triệu.
Đến năm 2018, NXB này tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam cùng với mức chi thù lao. Lúc này, Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK không chỉ có mỗi Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh mà còn có thêm các thành viên từ nhà xuất bản và nhóm tư vấn hỗ trợ. Mức chi thù lao vẫn giữ nguyên như năm 2015, riêng nhóm tư vấn hỗ trợ mỗi người nhận 2,5 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam số tiền tổng cộng tới 1 tỷ 398 triệu đồng. Tổng 2 lần chi từ ngày 1/5/2015 đến hết năm 2018 là gần 3 tỷ đồng.