|
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh đề nghị cần đánh giá, dự báo tình hình biển Đông tác động đến nền kinh tế. Ảnh: Giang Huy. |
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 25/5, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước những diễn biến trên biển Đông. Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng, tình hình biển Đông ngày càng nóng. Điều đó có sự can thiệp của nhiều nước lớn. Việt Nam là một trong những nước nằm trực tiếp trong điểm nóng, nên có nhiều nguy cơ tiềm ẩn còn nóng hơn sự kiện giàn khoan trước đây. Từ những lo ngại trên, đại biểu Khánh đề nghị, trong báo cáo đánh giá về kinh tế, xã hội những tháng cuối năm Chính phủ phải báo cáo về tình hình biển Đông để cùng tính toán, ứng xử. “Chúng ta cần đánh giá sát sao, dự báo tình hình chính xác để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất nếu có. Đặc biệt, là tác động trực tiếp của biển Đông đến phát triển kinh tế - xã hội”, ông Khánh nói.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, việc bổ sung báo cáo về vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự là rất cần thiết. “ Đại biểu có đủ thông tin thì sẽ cùng thống nhất trong hành động”.
Nêu phản ánh thực tế từ ngư dân trong chuyến khảo sát thực tế Trường Sa vừa qua, bà Trần Thị Quốc Khánh thông tin, ngư dân cho biết, do không đánh bắt được nhiều cá to nên một số không muốn đi biển nữa. “Tôi phải nói thật để chúng ta không ảo tưởng”, bà Khánh chia sẻ và đề nghị cần cho các doanh nghiệp khai thác du lịch biển đảo để góp phần bảo vệ chủ quyền.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng chính sách, giải pháp mà Chính phủ dành cho ngư dân là tốt nhưng khâu thực hiện rất khó khăn, đạt hiệu quả không cao. Theo đại biểu, có chính sách cho ngư dân vay vốn, nhưng việc tiếp cận nguồn tiền lại không dễ dàng. “Ngư dân ra khơi ngoài đánh bắt hải sản còn là bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá lại chính sách cho ngư dân vay vốn để có giải pháp cụ thể”, ông Vinh kiến nghị.
|
Các đại biểu cho rằng chính sách hỗ trợ ngư dân chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Trí Tín. |
Cũng đề cập tới vấn đề hỗ trợ ngư dân, đại biểu Trần Văn đánh giá, sau một năm, nhưng chính sách chưa phát phát huy hiệu quả. Đại biểu cho rằng, khâu thực thi ở các cấp quản lý nhà nước, cấp chính quyền trong đội ngũ cán bộ công chức có vấn đề, làm giảm hiệu quả.
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp chiều 25/5, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ, việc Trung Quốc xây dựng trái phép đảo nhân tạo nghiêm trọng hơn rất nhiều lần việc Trung quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Theo ông Quốc, phản ứng của Việt Nam chưa tương xứng tầm mức của sự vi phạm. Ông Quốc cho rằng, dù biết mặt trận ngoại giao khó khăn, tế nhị, có nhiều yếu tố nhưng điều quan trọng là phải làm sao để người dân tin vào phương sách của Chính phủ.
Theo: VnExpress