Đại biểu chất vấn “cụ thể và nhẹ nhàng” với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

VietTimes -- Trong phiên chất vấn ngày 15/6, nhiều câu hỏi "nhẹ nhàng" liên quan đến trách nhiệm của Bộ KH& ĐT trong việc chậm trễ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, suất đầu tư đường cao tốc, đường sắt cao gấp nhiều lần các nước trên thế giới, bất cập trong phân phối nguồn lực quốc gia... được gửi tới người đứng đầu của Bộ KH&ĐT. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá "đây là câu hỏi rất nhẹ nhàng nhưng trả lời rất nặng nề" với Bộ trưởng Dũng.

 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

"Dẫn chứng một rừng luật" ...để quy định trách nhiệm các bộ ngành

Mở đầu phiên chất vấn ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) về tránh nhiệm của Bộ KH&ĐT đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Đại biểu Thúy cho rằng, báo cáo của Bộ gửi Quốc hội chỉ thấy nêu ra một loạt quy định, nghị định, "dẫn chứng một rừng luật" mà không rõ được trách nhiệm của Bộ KH&ĐT và cá nhân Bộ trưởng.  

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện chỉ có "dự án quan trọng quốc gia", không còn dự án "trọng điểm". Để xác định được trách nhiệm các bộ ngành thì phải xem các bộ ngành có trách nhiệm thế nào với mỗi loại dự án. "Vì thế, trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu chi tiết các quy định, Nghị định...  để quy định trách nhiệm các bộ, ngành" – Ông Dũng giải thích và cho biết Bộ KH-ĐT có 3 nhiệm vụ: thẩm định, giám sát và huy động phân bổ vốn đầu tư.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, giai đoạn 2011 - 2015 Bộ đã thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 và gần đây thẩm định dự án cao tốc Bắc Nam đang được trình tại kỳ họp này. 

Công tác chuẩn bị dự án thật sự có nhiều vấn đề

Giải đáp chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, vướng mắc chủ yếu do Luật đầu tư công là mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt.

“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị” – ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, nhiều địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết.

Cổ phần hóa DNNN: Đất chuyển đổi mục đích phải đấu giá lại

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) về việc giá trị đất sau khi cổ phần hóa DNNN bị thất thóa lãng phí, Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là vấn đề lớn, được đại biểu cử tri rất quan tâm. Ông thừa nhận khi cổ phần hóa, phần đất mà doanh nghiệp thuê của Nhà nước và trả tiền hằng năm không được tính vào giá trị tài sản khi định giá doanh nghiệp. Sau khi cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giá trị địa tô tăng lên, lợi ích này thuộc về DN chứ không phải Nhà nước.

“Khi cổ phần hóa, đất đang sử dụng phải định giá lại, công khai hóa, minh bạch để tính toán, quyết định giá trị của DN. Sau CPH nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải đấu giá lại.” – ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều bất cập dẫn đến lợi ích của nhà nước bị thất thoát. Theo Bộ trưởng, khi cổ phần hóa, phần đất mà doanh nghiệp thuê của Nhà nước và trả tiền hằng năm không được tính vào giá trị tài sản khi định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phần lợi ích này lại thuộc về doanh nghiệp.

Do vậy Bộ đang xây dựng các giải pháp để tránh làm thất thoát phần giá trị tăng thêm này. Bộ có kiến nghị các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa phải rà soát lại quỹ đất, nếu không sử dụng, phải trả lại nhà nước. Bên cạnh đó, phải công khai hóa, minh bạch các khu đất đang sử dụng và sau cổ phần hóa. Nếu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thực hiện đấu giá lại, định giá lại giá trị tài sản của Nhà nước. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung phần sau khi định giá lại.

Đối với một số công trình hiện nay đầu tư lớn cho hạ tầng, khiến giá trị đất hai bên đường và giá trị đất cả khu tăng lên rất nhiều. “Một số công trình hiện nay sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước giúp giá trị đất của cả khu vực tăng lên, tuy nhiên phần tăng lên này lại sau đó doanh nghiệp lại là người được hưởng, dù không bỏ vốn đầu tư”, Bộ trưởng nhận xét.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị phải xây dựng các giải pháp để mang lại giá trị địa tô cao hơn cho đất nước. Một số giải pháp được Bộ kiến nghị là khi giải tỏa mặt bằng, cần thực hiện giải tỏa thêm diện tích hai bên đường và sau khi xây dựng xong hạ tầng cơ bản sẽ thực hiện đấu giá khu đất đó nhằm tạo giá trị tăng thêm...

“Nhà nước bỏ tiền làm quy hoạch, đầu tư hạ tầng , thiết kế… kể cả hạ tầng giao thông, đô thị sau đó mới đấu giá. Chứ để doanh nghiệp làm hạ tầng, thiết kế đô thị, sau khi đã hoàn thiện hạ tầng giao thông... thì giá trị địa tô tăng lên. Tuy nhiên phần này lại thuộc về doanh nghiệp, chứ không phải Nhà nước”, Bộ trưởng đưa ý kiến.

Nhiều câu hỏi "cụ thể và nhẹ nhàng" được gửi tới Bộ trưởng Dũng

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đặt vấn đề, ĐBSCL có hơn 2 triệu ha đất trồng lúa và 800.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, câu chuyện về tải trọng vẫn luôn là vấn đề bế tắc lớn, do tiến độ thực hiện các công trình quan trọng, có tính chất động lực đang chậm so với kế hoạch, trong đó có tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ vẫn chưa hoàn thành. "Đây là dự án trọng điểm của cả khu vực. Xin hỏi bộ trưởng nguyên nhân của sự chậm trễ, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu trong huy động và công khai phân bổ nguồn vốn. Dự án này đến khi nào hoàn thành?" – Đại biểu Hoa Ry cho rằng đây là hai câu hỏi rất cụ thể và nhẹ nhàng, đại biểu mong Bộ trưởng “lưu tâm” trả lời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là “câu hỏi rất nhẹ nhàng nhưng trả lời rất nặng nề” được gửi tới Bộ trưởng Dũng, người đứng đầu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cùng tham gia trả lời câu hỏi này.

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) viện dẫn báo cáo của bộ KH-ĐT cho biết, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam sẽ làm trên 1.370 km, với tổng mức đầu tư 312.435 tỉ đồng, tương đương 14 tỉ USD, và suất đầu tư đường cao tốc là trên 12 triệu USD/km. Tuy nhiên, với Trung Quốc, chi phí của họ chỉ 5 triệu USD, Mỹ và các nước châu Âu là trên 3 triệu USD/km. Như vậy, chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe của ta cao gấp 2 đến 4 lần các nước, nhưng chất lượng lại không bằng. Bên cạnh đó, đường sắt cao tốc của ta thì suất đầu tư cũng 50 triệu USD, cao hơn các nước rất nhiều, cao hơn 2,5 lần của Thái Lan.

“Vậy bộ trưởng làm thế nào để trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, giảm suất đầu tư ở đường bộ, đường sắt?” – đại biểu Nhường đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ GTVT nói gì về suất đầu tư đường cao tốc, đường sắt

“Chia lửa” với Bộ trưởng Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đăng đàn trả lời vấn đề liên quan đến suất đầu tư đường cao tốc, đường sắt tại Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Nghĩa cho rằng suất đầu tư đường cao tốc ở các khu vực khác nhau có mức giá khác nhau, chưa tính đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nghĩa, Bộ GTVT đang xem, xét tính toán. Cụ thể: đường 6 làn là 200 tỉ đồng/km chưa tính giải phóng mặt bằng. Ở VN có những khu vực có những mức giá khác nhau, miền núi, trung du, đồng bằng khác nhau, với dải suất đầu tư từ 7,4 đến 17,2 triệu USD.

So sánh với báo cáo của Bộ GTVT, ông Nghĩa cho biết, đối với đường cao tốc 6 làn xe thì ở Đức 10,9 triệu USD/km; Áo 16,7 triệu, Mỹ 12,8 triệu USD/km, Trung Quốc 10,5-13,6 triệu USD/km. Còn ta dự tính 9,5 triệu USD/km đường cao tốc.

“Về đường sắt, dự kiến của phía Nhật Bản khi xin chủ trương là 50 tỉ USD. Đến kỳ họp thứ 2 năm 2018 thì xin ý kiến Quốc hội, lúc đó có giá chính xác hơn” – ông Nghĩa nói

Tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi có tiền mà không đầu tư được

Kết thúc phiên chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đã có 37 ĐBQH đặt câu hỏi, 19 ĐBQH tham gia tranh luận, còn 11 ĐBQH đăng ký nhưng chưa có đủ thời gian chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Bộ KHĐT đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công. Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn dự án và số vốn giải ngân…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, qua ý kiến của ĐBQH chất vấn và tranh luận cho thấy, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm. Bộ trưởng cũng đã nghiêm túc nhận rõ trách nhiệm, nhưng phần trả lời chất vấn có nhiều vấn đề "chưa rõ, chưa thỏa mãn” nhiều đại biểu.

Người đứng đầu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời xuất nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục, lập thẩm định phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư công. Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung nguồn lực bố trí vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên. Bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, gây thất thoát lãng phí….

"Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi có tiền mà không đầu tư được” – Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chiều 14/6:
Từ 16.30’ chiều 14/6 đến hết buổi sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 50 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Trước khi nhận câu hỏi từ phía đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có ít phút trình bày báo cáo trước Quốc hội. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2015 đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, song vẫn tồn tại "co kéo trong bố trí vốn, giao vốn chậm".
Trong phần chất vấn, các đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu); Trần Hoàng Ngân (TPHCM); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu);....  đặt câu hỏi về trách nhiệm, giải pháp xử lý tình trạng đầu tư dàn trải; nguyên nhân, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công chậm; giải pháp nâng cao chất lượng các dự án FDI; giải pháp thu hút FDI công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp; trách nhiệm của bộ và bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia; giải pháp xử lý nợ đọng cơ bản;...
Trả lời về thực trạng giao vốn đầu tư hằng năm chậm, Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là năm đầu tiên thực hiện giao vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, nên quy trình chọn lựa, thẩm định dự án đã chặt chẽ, phức tạp hơn. Vì thế khi triển khai thủ tục tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều  lúng túng."Chúng tôi nhận trách nhiệm chưa cương quyết, còn nể nang khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định Luật Đầu tư công" - Ông Dũng nói
Do thời gian của phiên làm việc ngày 14/6 còn quá ít, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các đại biểu tập trung đặt câu hỏi và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ nghiên cứu và trả lời những câu hỏi này vào ngày mai (15/6).

Theo lịch chương trình của kỳ họp đã công bố, nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bao gồm: Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. 

Trong nhóm vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Từ 8.00’ đến 11.20’, ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề chất vấn thứ 4.

Cuối giờ làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xem thêm:
- Phần chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
- Phần chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện