Đại án VNCB: Lời khai ngày càng nguy hiểm của bị cáo Phạm Công Danh

VietTimes – Sáng 1/8, tiếp tục phiên xét xử đại án tại VNCB, bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần nhắc lại thực tế sức ép lãi suất huy động ngoài quy định là nguyên nhân chính khiến các bị cáo phạm tội. Ông Danh nhấn mạnh trước tòa chi tiết: "Tôi khẳng định 3-4%/tháng chứ không phải là năm".
Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh

Trả lời câu hỏi về quan hệ với đối tượng Trang Phố Núi (Phạm Thị Trang – hiện đã rời khỏi VIệt Nam), ông Danh khẳng định chỉ có một quan hệ, đó là Trang phụ trách việc huy động vốn cho ngân hàng và ông là người phụ trách ngân hàng. Từ đây, ông Danh khẳng định bà Trang là người đã “kéo” được nhóm bà Bích (Tân Hiệp Phát) là khách hàng lớn về với VNCB.

Cũng theo ông Danh, vụ rút 5.490 tỷ đồng không có chữ ký của nhóm bà Trần Ngọc Bích, bà Trang thỏa thuận, thống nhất với bà Bích việc cầm cố sổ tiết kiệm, điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định. Đến hạn trả nợ, bà Bích thống nhất với bà Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do bà Bích chỉ định.

Lời khai này khá thống nhất với lời khai của bà Bích trong các ngày xét xử trước đó. Cụ thể, bà Bích khai không có mối quan hệ tín dụng với ông Danh, chỉ có quan hệ vay mượn tiền với bà Trang Phố Núi.

Đáng lưu ý, giải thích về việc phải trả lãi ngoài khi huy động, ông Danh khai rõ: "Tôi khẳng định 3-4%/tháng chứ không phải là năm". Lý do huy động lãi ngoài, trong các ngày trước, ông Danh cho rằng…bị lừa. Vì khi nhận chuyển nhượng và nhận chức tại VNCB, ông Danh mới biết tình hình tài chính ngân hàng đã quá be bét.

Trong khi đó tài sản nhóm Phú Mỹ (của bà Hứa Thị Phấn) lại không bán đi được để hình thành nguồn tiền phục vụ hoạt động, trong đó có tiền để “chăm sóc khách hàng”, nên ông Danh phải đi vay lãi cao để trả lãi ngoài.

Cũng theo lời khai của ông Danh, ông không có ý định mua lại VNCB mà chỉ chi tiền mua các bất động sản là tài sản đảm bảo của ngân hàng với dự định bất động sản lên giá bán đi sẽ có lãi.

Cụ thể, theo lời khai của ông Danh phiên trước thì ông đã chi tiền để mua cổ phần ngân hàng từ phía nhóm Phú Mỹ, mục đích không phải mua ngân hàng, tuy nhiên khi mọi việc trục trặc thì cổ phần ngân hàng mới được tính tới như là một giải pháp để đảm bảo việc thanh toán của nhóm bà Phấn với ông Danh.

Bà Hứa Thị Phấn nói với ông Danh là đang đại diện cho 30 công ty, nhưng nhóm công ty này lại không chuyển quyền sở hữu tài sản cho ông Danh. Vì thế các bất động sản cũng không bán được. Khi mọi việc đã bế tắc, ông Danh mới dừng việc trả nợ cho nhóm Phú Mỹ.

Khi ấy, ông Danh đã trả cho nhóm này tới 3.700 tỷ đồng và về cơ bản đã sa chân hẳn vào VNCB.

Tiền đã chi cho nhóm bà Phấn, đã nắm hẳn ngân hàng đang mất thanh khoản trầm trọng, lựa chọn đi vay lãi và trả lãi vượt trần huy động, theo giải thích của ông Danh – là lựa chọn có tính bất khả kháng.

"Để trả được lãi ngoài có lúc tôi phải vay 3-4%/ tháng. Tôi khẳng định 3-4%/tháng chứ không phải là năm", ông Danh khai trước tòa về việc huy động vốn vượt trần lãi suất theo quy định như vậy.

Tình tiết này thực ra không mới, vì đã thể hiện ngay trong cáo trạng kết tội nhóm các bị cáo tại VNCB. Trước tòa, ông Danh nhiều lần xác nhận lại thực tế này, riêng với nhóm của bà Bích, ông Danh khai đã chi trả lãi suất ngoài lên đến 2.500 tỷ đồng.

Như vậy, lời khai của bị cáo Phạm Công Danh những ngày qua đã dần đụng chạm tới những góc khuất trong sự xuất hiện của ông tại VNCB và hoạt động huy động vốn của VNCB dưới thời ông Danh chèo lái.

Những góc khuất này liên quan tới việc bán cổ phần và chuyển giao tài sản của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Và sau đó liên quan tới việc huy động vốn trả lãi suất ngoài quy định liên quan tới nhóm bà Bích.