Phát hành ngày càng tăng
Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký gửi tới Quốc hội, số lượng vốn TPCP phát hành ngày càng tăng sau mỗi năm gần đây và đạt tổng cộng 846.926 tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2015.
Lượng vốn TPCP đã tăng rất nhanh, từ 68.292 tỷ đồng năm 2010 lên 80.704 tỷ đồng năm 2011, 141.340 tỷ đồng năm 2012, 181.093 tỷ đồng năm 2013, và 248.024 tỷ đồng năm 2014. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm.
Bộ trưởng Vinh giải thích, do giai đoạn này thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng nên yêu cầu về huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua kênh phát hành trái phiếu Chính phủ tăng cao, dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu trên thị trường trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016 được Quốc hội cho phép thấp hơn nhiều tổng số TPCP được phát hành trên.
Tháng 11-2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 12/2011/QH13 cho phép phát hành vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 chỉ là 225.000 tỷ đồng.
Đến tháng 11-2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 65/2013/QH13 cho phép phát hành bổ sung giai đoạn 2014-2016 là 170.000 tỷ đồng (gồm cả 85,094 tỷ đồng Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 736/NQ-UBTVQH13).
Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội cho phép triển khai trong giai đoạn 2011-2015 là 335.000 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2011 là 45.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2012 là 45.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2013 là 60.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2014 là 100.000 tỷ đồng và kế hoạch năm 2015 là 85.000 tỷ đồng.
Giải ngân thấp
Báo cáo cho biết, giải ngân kế hoạch vốn TPCP từ 2010 đến hết tháng 9-2015 là 343.082 tỷ đồng. Trong số đó, gần 294.416 tỷ đồng giải ngân giai đoạn năm 2010-2014, và gần 48.666 tỷ đồng giải ngân 9 tháng đầu năm 2015.
Chính phủ khẳng định, vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 và bổ sung 2014-2016 đã bố trí hoàn thành gần 2.000 dự án thuộc danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 theo quy định của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chỉ còn lại 17 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền có tổng mức đầu tư lớn, chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành.
Theo TBKTSG