Sáng nay (11/11), Quốc hội đã Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 (trong đó bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên).
Theo đó, có 435 đại biểu Quốc hội tham gia, tương đương 88,06%, trong đó, có 392 đại biểu tán thành, tương đương 79,35%; đại biểu không tánh thành là 34, tương đương 6,88%; đại biểu không tham gia là 9, tương đương 1,82%.
Ban hành Nghị quyết phát hành trái phiếu 3 tỷ USD
Quốc hội thông qua tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) là 1.014.500 tỷ đồng, nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu NSNN là 1.019.200 tỷ đồng và tổng số chi cân đối NSNN là 1.273.200 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP.
Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/4/2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh lương đối với các đối tượng như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.
Từ ngày 01/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.
Tổ chức bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi NSNN. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định.
Về một số nhiệm vụ NSNN của năm 2015 và năm 2016, Quốc hội thông qua bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015. Sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách Trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.
Thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên theo quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội.
Thực hiện việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.
Rà soát quy mô, thiết kế, hiệu quả và phân bổ 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 để đầu tư cho các dự án theo Phụ lục số 6 kèm theo Nghị quyết này theo nguyên tắc chỉ bố trí vốn cho các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, khắc phục việc giảm quy mô gây ách tắc giao thông và từng bước hoàn thành đồng bộ các tuyến tránh, kết nối của 2 tuyến đường này.
Sẽ mạnh tay thu hồi 34.000 tỷ đồng thuế nợ đọng
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã đọc báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và đã có một số điều chỉnh cụ thể.
Theo đó, về một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế còn rất lớn, nhưng biện pháp khắc phục chưa tốt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận số liệu cho thấy nợ đọng thuế trên cả nước còn rất lớn, khoảng 76.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản nợ bất khả kháng do nguyên nhân khách quan, nợ khó thu, chậm nộp, tạm khoanh lại, thì số nợ có khả năng thu khoảng 34.000 tỷ đồng.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn bằng các biện pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng trốn thuế, chây ỳ nợ thuế, có biện pháp xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp nợ thuế kéo dài trong nhiều năm.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Về ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ số tiền bù hụt thu và phương án xử lý cụ thể theo quy định của Luật NSNN hiện hành, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cho biết để xử lý hụt thu ngân sách trung ương, Chính phủ đã đề nghị thực hiện cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên những tháng cuối năm 2015 và sử dụng một phần dự phòng ngân sách trung ương (tổng cộng khoảng 4.150 tỷ đồng); tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; đồng thời phấn đấu tăng thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế để bù hụt thu.
Trường hợp vẫn hụt thu thì xin được phép sử dụng một phần tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp, nhưng không quá 10.000 tỷ đồng cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2015.
Về chi và bội chi NSNN năm 2015, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, lãng phí trong sử dụng NSNN còn lớn, chi dàn trải và còn cơ chế xin - cho. Hiệu quả sử dụng NSNN còn thấp, nhiều tiêu cực, thất thoát.
“Mặc dù công tác quản lý thu, chi ngân sách đã có những tiến bộ nhất định, song vi phạm vẫn xảy ra ở mức độ khác nhau. Qua kết quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có nhiều sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách nên thời gian qua đã được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán do chi sai chế độ theo kiến nghị KTNN năm 2009 là 317 tỷ đồng; năm 2010 là 658 tỷ đồng; năm 2011 là 708 tỷ đồng; năm 2012 là 2.252 tỷ đồng; năm 2013 là 5.304,2 tỷ đồng”, ông Hiển thừa nhận.
Về ý kiến cho rằng, bội chi NSNN năm 2015 sẽ khó giữ ở mức 5%GDP và có khả năng sẽ tăng cao nếu giải ngân hết vốn ODA, đề nghị giải trình về vấn đề này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA một số dự án trọng điểm, cấp bách trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế...(năm 2013, dự toán bố trí 17.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện 45.503 tỷ đồng; năm 2014, dự toán bố trí 16.500 tỷ đồng, thực tế thực hiện 42.665 tỷ đồng; năm 2015, dự toán bố trí 20.000 tỷ đồng, khả năng thực hiện 50.000 tỷ đồng), dẫn đến bội chi NSNN thực tế tăng cao hơn so với dự toán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép ghi bổ sung tăng khoảng 30.000 tỷ đồng giải ngân vốn ODA cao hơn so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015 và yêu cầu Chính phủ tổng hợp, báo cáo kết quả phân bổ, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong dự toán năm 2016, Chính phủ đã bố trí chi từ nguồn vốn ODA là 50.000 tỷ đồng, sát hơn so với dự kiến giải ngân; và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đã định hướng bố trí tổng số 250.000 tỷ đồng (bình quân 50.000 tỷ đồng/năm) từ nguồn vốn ODA.
Theo Bizlive