Đà Nẵng và CityNet bàn giải pháp đầu tư và phát triển đô thị

VietTimes -- Sáng 22/11, tại Đà Nẵng, Ban Thư ký Tổ chức Mạng lưới chính quyền các địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) và địa phương, cùng hơn 100 chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi và đưa ra những giải pháp mới, tích cực nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình đầu tư và phát triển đô thị bền vững.
Sáng 22/11, tại Đà Nẵng, Ban Thư ký Tổ chức Mạng lưới chính quyền các địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) và địa phương, cùng hơn 100 chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi và đưa ra những giải pháp mới, tích cực nhằm giải quyết những thác

Sáng 22/11, tại Đà Nẵng, Ban Thư ký Tổ chức Mạng lưới chính quyền các địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) phối hợp với địa phương tổ chức Hội thảo quốc tế “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững” với các đối tác từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Viện Phát triển xanh Toàn cầu.

Bàn giải pháp giải quyết thách thức trong đầu tư và phát triển đô thị

Sự kiện có sự tham dự của ông Vijay Jagannathan-Tổng thư ký, Ban thư ký CityNet; ông Geun Hyeong Yim-Đại sứ Hàn Quốc tại Hungary; Đại diện Chính quyền thành phố Seoul-thành phố Chủ tịch của CityNet; các chuyên gia Ngân hàng Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) cùng đại diện chính quyền các địa phương thành phố CityNet tham dự hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh-Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, đây là cơ hội để các địa phương thành viên CityNet cùng các đối tác chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và đưa ra những giải pháp mới, tích cực nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình đầu tư và phát triển đô thị bền vững.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, từ năm 2014, chính quyền thành phố đã phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh, với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Giao thông thông minh, Cấp nước thông minh, Thoát nước thông minh, Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng Thành phố kết nối. 

Trước đó, Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường”. Và mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.

Theo Ban thư ký CityNet, các cộng đồng đô thị phụ thuộc phần lớn vào quá trình quy hoạch đô thị hiệu quả cũng như khả năng tiếp cận với các dịch vụ công có mức chi phí hợp lý. Tuy nhiên, các địa phương thường ít được tiếp cận với các nguồn tài chính để thực thi các vấn đề đặt ra, trong khi đó phải xử lý nhu cầu ngày càng nhiều về cơ sở hạ tầng khi dân số đô thị tiếp tục tăng lên. Chính vì vậy, lãnh đạo các TP, các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia tài chính cần tìm ra giải pháp, cách thức để việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh có thể thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững.

 Các đại biểu tham gia trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị một cách bền vững, tổng thể

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị một cách bền vững, tổng thể và có khả năng chống chịu. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong chiến lược tài chính và phát triển dự án, những kinh nghiệm thực thi chính sách vào thực tiễn trong lĩnh vực đô thị tại các thành phố châu Á. 

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 7 dự án chiến lược

Cũng tại sự kiện, đại diện chủ nhà Đà Nẵng đã trình bày 7 dự án chiến lược, và kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bà Lê Thị Kim Phượng-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang theo đuổi 7 dự án trọng điểm của tập trung vào giải quyết bền vững vấn đề giao thông, đô thị. Cụ thể đó là Dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lưu thông hàng hóa qua cảng Tiên Sa và khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông, gây áp lực về hạ tầng giao thông và cản trở phần nào đến phát triển du lịch của TP.

“Hiện nay, cảng Tiên Sa có thể tiếp nhận 8,5 triệu tấn, 108 tàu du lịch. Tốc độ tăng trưởng bình quân của cảng là 13% đối với hàng hóa, 22% đối với container và 13,5% đối với tàu du lịch. Tuy nhiên, trong tương lai, cảng Tiên Sa không thể phát triển mở rộng quy mô, công suất. Do đó, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư xây Cảng Liên Chiểu trở thành khu bến chính của cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, cho phép tiếp nhận tàu hàng đến 100.000 tấn”-Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng chia sẻ.

Đối với cảng Liên Chiểu, đại diện Sở KH-ĐT cho rằng, Đà Nẵng kêu gọi tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các khu bến và các hạ tầng để khai thác dịch vụ trên cảng. “Chúng tôi mong muốn Cảng Liên Chiểu sớm triển khai thực hiện bởi đây là dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng”- bà Lê Thị Kim Phượng mời gọi đầu tư đến các đối tác.

Tiếp đó là một loạt các dự án trọng điểm trong định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng gồm: Dự án Ga đường sắt và đổi mới đô thị tích hợp; Dự án phát triển giao thông xe cơ giới và ứng dựng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý điều hành giao thông; Dự án xây dựng tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng với Hội An (Quảng Nam)... cũng được đại diện địa phương đăng cai đưa ra để kêu gọi đầu tư với hình thức PPP, BOT nhằm cải thiện hạ tầng giao thông đô thị.

Bên cạnh các dự án giao thông, đại diện Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng cũng mời gọi đầu tư đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày đêm; Dự án Xây dựng mới các khu công nghiệp của TP nhằm phát triển các ngành công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường… Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư 3 khu công nghiệp mới với diện tích khoảng 1.000 hecta và mong muốn các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp quan tâm, đề xuất phương án.

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đối với 7 dự án lớn, trọng điểm, liên quan đến định hướng phát triển bền vững của đô thị trong tương lai 

Đặc biệt, Đà Nẵng xây dựng và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng TP trong việc thực hiện Dự án Xây dựng “Thành phố thông minh” trên cơ sở mạng kênh giao tiếp, tầng ứng dụng, tầng dữ liệu và hỗ trợ ứng dụng, tầng mạng kết nối với người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các hạ tầng điện, nước, giao thông, cơ sở vật chất về y tế, giáo dục.

“Đà Nẵng xây dựng Thành phố thông minh và tham gia vào mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN. Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài để giúp tư vấn hỗ trợ cho các giải pháp xây dựng dự án này”, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Hội thảo quốc tế “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững” do Mạng lưới khu vực các chính quyền địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 22/11. Hội thảo quy tụ các chuyên gia quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đối tác từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Viện Phát triển xanh toàn cầu. Nội dung thảo luận tập trung vào tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị.
Trước đó, chiều 21/11, Cuộc họp Ban Chấp hành Mạng lưới khu vực các chính quyền địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) năm 2018 đã chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Tham dự cuộc họp có ông Vijay Jagannathan, Tổng Thư ký, Ban Thư ký CityNet; ông Geun-Hyeong Yim, Đại sứ Hàn Quốc tại Hungary, đại diện chính quyền thành phố Seoul - thành phố chủ tịch của CityNet; cùng đại diện lãnh đạo chính quyền các địa phương thành viên CityNet và các tổ chức quốc tế. Tại cuộc họp này, Ban chấp hành CityNet đã họp bàn công tác tổ chức, nhân sự và phương hướng cho năm tiếp theo.
Ban Chấp hành là cơ quan điều hành cao nhất của CityNet, nhóm họp mỗi năm một lần đế đánh giá hoạt động của Mạng lưới trong suốt 1 năm cũng như định hướng tầm nhìn và chiến lược cho năm tiếp theo. Năm nay là lần thứ 37 Cuộc họp Ban Chấp hành CityNet diễn ra, và Đà Nẵng là TP đăng cai.
CityNet là tổ chức lớn nhất tập hợp các bên liên quan đến phát triển đô thị bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thành lập vào năm 1987 với sự hỗ trợ của UNESCAP, UNDP và UN-Habitat, Mạng lưới này cho đến nay đã phát triển đến quy mô 135 chính quyền đô thị, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân và trung tâm nghiên cứu. Thông qua việc đào tạo năng lực, hợp tác giữa các thành phố và các dự án khả thi, CityNet giúp các thành viên ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa cũng như giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng, đồng thời hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Đà Nẵng là thành viên chính thức của CityNet từ tháng 10/2005 và cũng là một trong 06 đại diện của Việt Nam. Thông qua Mạng lưới, Đà Nẵng đã tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến với các thành viên CityNet. Đặc biệt, vào tháng 7/2015, UBND thành phố đã phối hợp với CityNet và Viện Giao thông Vận tải Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về Giao thông đô thị tại Đà Nẵng.