Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp, đánh giá nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học, phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Đại diện Viện Bảo tồn di tích; Cục di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, cùng các cơ quan chuyên môn, các Trung tâm bảo tồn di tích Huế, Hội An,…
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, đánh giá được vai trò, tầm quan trọng của di tích Thành Điện Hải, năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể và giao cho ngành văn hóa quản lý, bảo vệ, nghiên cứu các giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học, phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
“Hội thảo nhằm triển khai, xúc tiến các hạng mục bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích ngành văn hóa thành phố cần thông qua các hình thức tiếp thu, thu thập ý kiến mang tính khoa học của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật, khảo cổ học, các nhà hoạt động trên các lĩnh vực khác có liên quan, cũng như các cấp lãnh đạo địa phương và các chuyên gia, chuyên ngành... Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội thảo khoa học về vấn đề này, là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn và những người làm công tác quản lý trao đổi kinh nghiệm, tìm ra những bài học và đề xuất phương hướng trong việc bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc và hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với công tác bảo tồn, tôn tạo di tích Thành Điện Hải
Theo Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi đã được phê duyệt, Thành Điện Hải sẽ được trùng tu gồm 2 giai đoạn từ nay cho đến năm 2021 với nhiều hạng mục như: Giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi Thành Điện Hải; Di dời Bảo tang Đà Nẵng ra khỏi Thành; Tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng; phục hồi các công trình đã có trong lịch sử; không gian tưởng niệm; xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe…tạo không gian đệm cho di tích.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận, phân tích đánh giá về giá trị lịch sử cũng như các phương án trùng tu, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của Thành Điện Hải nhằm tìm ra phương án trùng tu cũng như tôn tạo, bảo tồn đối với Thành Điện Hải một cách tốt nhất.
Được biết, Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) tại khu vực cửa biển nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền vào ra và trấn giữ Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn được dời vị trí hiện tại do vị trí ban đầu gần cửa biển, vật liệu xây dựng kém nên bị hư hại.
Để đảm bảo việc xây dựng, Vua Minh Mạng phân công công Thái Tương Nguyễn Văn Thành phụ trách việc xây dựng. Đồn Điện Hải được thiết kế kiểu thành Vauban Châu Âu; xây hoàn toàn bằng gạch; có chu vi 139 trượng (556m); chung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước (gần 5m). Đồn có 2 cửa: một cửa hướng về phía đông, nhìn xuống sông Hàn, một cửa hướng về phía nam (cửa chính). Trong thành có hành cung, kỳ đài, có các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng. Thành hình vuông có 4 góc lồi, được trang bị 30 súng đại bác cỡ lớn.
GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo
Trong thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng cùng với đồn An Hải bên kia sông Hàn, kiểm soát tàu thuyền vào ra ở cửa biển Đà Nẵng.
Đến năm 1858 Liên quân Pháp và Tây Ban Nha tiến đánh cửa biển Đà Nẵng nhằm làm bàn đạp mở rộng xâm lược ra 2 miền Nam Bắc, nhưng đã bị quân và dân kháng cự mãnh liệt. Thành Điện Hải trở thành thành lũy đầu tiên trong công cuộc chống thực dân Pháp của Việt Nam ở giữa thế kỉ XIX.
Tiếp theo sau đó, khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp, thực dân Pháp đã thay đổi công năng và phá bỏ nguyên trạng của Thành Điện Hải để làm công trình phục vụ hoạt động đô hộ tại Việt Nam. Và cho đến nay, di tích này chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức nên di tích đã bị hư hại và xuống cấp nặng nề.