Theo UBND TP Đà Nẵng, đề án xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác cải cách hành chính của Đà Nẵng cũng như chủ trương của Trung ương.
Đề án hướng đến giảm biên chế làm nhiệm vụ gián tiếp tại các cơ quan hành chính nhà nước, giảm tải công việc và khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng, do Nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó, đề án này sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xã hội hóa các dịch vụ hành chính công, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với công chức nhà nước, qua đó, tạo thuận lợi nhiều hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục tại cơ quan hành chính nhà nước.
Trước mắt, Bưu điện TP Đà Nẵng sẽ bố trí nhân viên tham gia tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp: TP, quận - huyện và phường - xã.
Ở cấp TP sẽ thực hiện tại Trung tâm hành chính TP, thí điểm thực hiện 7 vị trí gồm: tại Sở KH-ĐT, Sở TT&TT, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở LĐ-TB&, Sở Du lịch và Sở VH&TT;
Ở cấp quận-huyện, sẽ thực hiện tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND quận, huyện. Mỗi quận, huyện bố trí một vị trí thuộc các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, văn hóa thông tin, môi trường, thương mại, thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm...;
Ở cấp phường-xã, sẽ bố trí một vị trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND các phường, xã. Các lĩnh vực, thủ tục hành chính chuyển giao cho Bưu điện thực hiện theo đề án dựa trên nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, theo lộ trình phù hợp với năng lực của nhân viên Bưu điện.
Về lâu dài, đề án sẽ chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực cho nhân viên bưu điện thực hiện (trừ những lĩnh vực bắt buộc phải do công chức đảm nhiệm). Đề án sẽ tiếp tục thực hiện đối với các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công khác mà các cơ quan hành chính trên địa bàn TP không nhất thiết trực tiếp thực hiện và Bưu điện TP có khả năng đảm nhận.