|
Đà Nẵng thành lập “Khu phố Tây”-Du lịch đêm An Thượng tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng |
UBND TP Đà Nẵng có Quyết định phê duyệt đề án Khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), nhằm định hướng phát triển, giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các khu dịch vụ nhằm tạo điểm vui chơi giải trí, mua sắm cả ngày lẫn đêm cho du khách, tạo sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Khu phố phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng được giới hạn bởi 4 đoạn đường: Võ Nguyên Giáp (dài 170m), Hoàng Kế Viêm (dài 850m), Châu Thị Vĩnh Tế (dài 170m) và Ngô Thì Sĩ (dài 850m) với tổng diện tích kể cả bãi biển chỉ 0,15km2, nhưng hiện nay có đến 141 cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch, trong đó, 64 cơ sở dịch vụ lưu trú, 43 cơ sở dịch vụ ăn uống, 12 cơ sở cung cấp dịch vụ mua sắm, 8 cơ sở dịch vụ làm đẹp, 6 cơ sở dịch vụ thể thao/sức khỏe...
Theo khảo sát của UBND P. Mỹ An, trong 9 tháng đầu năm 2017, khu phố An Thượng có đến 267.848 lượt khách lưu trú (chưa bao gồm số lượng khách du lịch tham quan, sử dụng các dịch vụ khác tại khu phố), trong đó, khách quốc tế là 74.077 người (chiếm gần 30%), chủ yếu đến từ Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc.
Vào thời gian cao điểm, số lượng khách lưu trú trung bình 1.488 khách/ngày, còn thấp điểm là 651 khách/ngày. Tỉ lệ khách đến An Thượng tăng 30%/năm, tỉ lệ quay lại của khách là 80-90%. Các du khách được khảo sát đều mong muốn khu phố An Thượng có nhiều điểm vui chơi, giải trí về đêm hơn...
Trên cơ sở nghiên cứu mô hình các khu phố đêm phục vụ khách du lịch ở trong và ngoài nước, khu phố phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng được định hướng không gian, quy hoạch, đầu tư và hoạt động mang âm hưởng của phố South Bank bởi sự tương đồng về diện tích, hình dáng, bố trí không gian...
Nguyên tắc quy hoạch, xây dựng khu phố An Thượng là cải thiện hệ thống giao thông (động và tĩnh) kết hợp tầm nhìn dài hạn về giải quyết những vấn đề về lưu thông an toàn, tránh tắc nghẽn giao thông; ưu tiên bảo tồn và mở rộng không gian mở để giảm đi sự phát triển nóng, thiếu bền vững như các khu phố du lịch khác ở Việt Nam...
Để tiến tới hoạt động chuyên nghiệp, Khu phố sẽ được lắp đặt biểu tượng điểm đến (sign location), xây dựng quảng trường theo hướng không gian mở, tổ chức các hoạt động, sự kiện ngoài trời, thành lập mô hình Chợ quốc tế Địa Trung Hải hoặc Flow House Băng Cốc với các tiểu khu văn hóa, thể thao, ẩm thực, mua sắm bên trong...
Bên cạnh đó, thực hiện giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các khu dịch vụ như: vận động cải tạo vỉa hè, bó vỉa, cây xanh...; phối hợp các lực lượng quản lý hoạt động khu phố, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; đặt hàng thu gom rác thải với tần suất cao; vận động, khuyến khích các khách sạn, hộ gia đình lắp đặt hệ thống camera giám sát...