Đà Nẵng: Lộ diện người Trung Quốc thâu tóm, đứng tên mua đất ven biển

VietTimes -- Đã có ít nhất 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các lô đất ven biển khu vực sân bay nước mặn (quận Ngũ Hành Sơn).
Đất nền khu vực đi ngang quan sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)
Đất nền khu vực đi ngang quan sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)

Sáng 19/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, với sự chủ trì của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn ĐBQH. 

Lộ diện 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên “sổ đỏ”

 Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước và TP Đà Nẵng, trong đó vấn đề người Trung Quốc đứng tên, mua đất ven biển Đà Nẵng khiến cử tri lo lắng.

Cử tri Ngô Minh Hồng cho rằng, tình trạng người Trung Quốc đứng tên đất ven biển Đà Nẵng là một thực trạng đáng lo ngại, không chỉ gây nên tình trạng sốt đất trong thời gian qua, mà còn khiến nhiều người dân khó có thể mua đất để làm nhà. 

“Mình bỏ 1 tỷ không mua được nhưng họ bỏ 2 tỷ, 3 tỷ để mua đất thông qua người Việt. Chúng tôi đề nghị TP cho biết, hiện nay, khu đất ven biển thuộc địa bàn Ngũ Hành Sơn có bao nhiêu lô đất do người Trung Quốc đứng tên và đề nghị UBND TP, Đoàn ĐBQH cho cử trí biết cụ thể”, cử tri Hồng nói.

Trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn hiện có 246 lô đất. Trong số này có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Trước đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho cho người Việt Nam, chứ không phải người Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần, nên được đứng tên”- Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng nói.

Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Còn vấn đề có dấu hiệu người Trung Quốc “núp bóng” mua đất như cử tri phản ánh hay không, thì thẩm quyền thuộc về cơ quan điều tra.

Buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng diễn ra sáng nay 19/9
Buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng diễn ra sáng nay 19/9

Cũng liên quan đến vấn đề người Trung Quốc núp bóng đi du lịch để đến Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, như: tổ chức đánh bạc ở Đà Nẵng, Hải Phòng; buôn bán, sản xuất ma túy ở Tây Nguyên, đặc biệt là vụ tổ chức sản xuất phim đồi trụy tại Đà Nẵng vừa bị Công an TP phát hiện, cử tri đề nghị cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh và có biện pháp chấn chỉnh, tránh việc vừa phải đấu tranh, vừa tốn kém chi phí trả số người này về nước.

Ông Trương Quang Nghĩa cho biết sẽ tiếp thu và sẽ phản ánh lại với Quốc hội, với cơ quan chức năng của Chính phủ, của Đảng những ý kiến của cử tri.

“Sốt ruột” với kết luận thanh tra các dự án ở bán đảo Sơn Trà

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Hòa Vang, trả lời ý kiến cử tri tại nhiều cuộc tiếp xúc trước đó liên quan đến công bố kết luận thanh tra các dự án bán đảo Sơn Trà, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng cũng đang “sốt ruột” đối với vấn đề này.

“Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản đề nghị. Trước ngày 2/9, TP cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thời gian quá dài của việc thanh tra dự án Sơn Trà”, ông Nghĩa nói.

Chia sẻ với cử tri, Bí thư Đà Nẵng cho biết, quan điểm của TP là sau thanh tra, căn cứ vào quy hoạch, TP sẽ phát triển du lịch, nhưng phải gắn với bảo tồn bán đảo Sơn Trà.

Bên cạnh các vấn đề nóng liên quan đến người Trung Quốc, thanh tra các dự án ở bán đảo Sơn Trà, cử tri cũng quan tâm đến các vấn đề quy hoạch, môi trường, giáo dục, chủ trương lấy lại sân vận động Chi Lăng để phục vụ mục đích công cộng,…

Đà Nẵng đang "tìm cách" chuộc lại sân vận động Chi Lăng
Đà Nẵng đang "tìm cách" chuộc lại sân vận động Chi Lăng

Về sân vận động Chi Lăng, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, trong các cuộc họp, TP đã nêu lên mong muốn được giữ lại sân vận động này. Hiện TP được giao thi hành án sau khi tuyên án vụ án Phạm Công Danh, trong đó có sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề mà Đà Nẵng đang tìm cách tháo gỡ.

“Bởi vì số tiền Phạm Công Danh đi vay ngân hàng bằng thế chấp các sổ đỏ. Các sổ này được cấp không đúng. Sân vận động Chi Lăng chưa thông qua quy hoạch, chưa có quyết định giao đất. Thực tế là những người làm sai đã chịu trách nhiệm trước pháp luật”- ông Nghĩa nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, nguyện vọng của người dân Đà Nẵng là muốn mua lại sân Chi Lăng, bằng cách  trả lại tiền Đà Nẵng đã thu cộng với lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, còn nhiều quan điểm và động chạm đến lợi ích, thẩm quyền, trách nhiệm của các ngân hàng cho vay.

“Nhưng chính quyền và người dân Đà Nẵng luôn thể hiện quyết tâm và mong muốn là lấy lại sân vận động Chi Lăng với tên đã gắn với lịch sử Đà Nẵng”, Bí thư Nghĩa nhấn mạnh.