Gần đây, liên tiếp các trang facebook của các cơ quan công quyền ở Đà Nẵng được thành lập, lượng truy cập tương tác mỗi lúc một gia tăng, công tác xử lý, phúc đáp vấn đề bức xúc của dân mỗi lúc một nhanh, người dân cảm thấy hài lòng... đang cho thấy Đà Nẵng đang hướng tới một chính quyền tương tác mà ở đó, người dân và chính quyền có cùng tiếng nói. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu đây có phải là định hướng của Đà Nẵng? Và nếu thật như vậy, Đà Nẵng được xem là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc tương tác với dân.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bên lề Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, đường dây nóng, công khai số điện thoại, email cá nhân, tăng tần suất gặp dân…., đã được áp dụng ở nhiều tỉnh, nhiều lãnh đạo cũng công khai và Đà Nẵng cũng không là ngoại lệ. Nhưng hình như chỉ ở Đà Nẵng việc các cơ quan chức năng lập facebook để tương tác với người dân mới trở thành phổ biến ?
Đúng là như vậy. Vì như nội dung báo cáo mà tôi vừa trình bày trước HĐND, ngoài việc tổ chức tiếp công dân, lắng nghe ý kiến đóng góp, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thông qua các kênh chính thống. Thì UBND TP cũng đã đa dạng hóa các kênh chỉ đạo, điều hành từ trực tiếp bằng văn bản hành chính đến hình thức thông qua thư điện tử, mạng xã hội,...nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Bởi ngoài các kênh điện thoại, website, đường dây nóng.. thì mạng xã hội là một kênh thông tin hữu hiệu để lãnh đạo thành phố tương tác với dân nhanh hơn, kịp thời hơn và đa chiều hơn. Việc gọi điện thoại, hay gửi email, đôi lúc lãnh đạo cũng chưa thể phản hồi kịp thời thì mạng xã hội là một cách để các cơ quan tham mưu tiếp nhận một cách công khai và nhanh chóng.
Lợi ích từ việc này rất lớn, nên vừa rồi, UBND TP mới chỉ đạo các đơn vị như Sở VH-TT&DL ra mắt trang facebook để tương tác với người dân và du khách.
- Cách đây gần mười năm, khi Đà Nẵng bắt đầu hướng đến chính sách "3 không" đã có tổng đài tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về nạn ăn xin, sau tiếp đến là giải quyết nạn chèo kéo, chặt chém nhưng hiệu quả còn hạn chế. Nay thì liên tiếp các hành động như ra mắt trung tâm dịch vụ hành chính công với website tiếp nhận thông tin phản ánh, tiếp đến là facebook quản lý đô thị,...có phải Đà Nẵng đang tìm kiếm một công cụ hữu hiệu hơn trong việc hiểu dân, vì dân?
Thật sự là chúng tôi đang muốn gần dân hơn, tiếp nhận thông tin của người dân nhiều hơn và xử lý các vấn đề phát sinh trong cuộc sống người dân được tốt hơn, hữu hiệu hơn. Sau những công cụ khác đang thực hiện song song thì mạng xã hội là một công cụ trong số đó.
Và cho đến nay, công cụ đó đã phát huy hiệu quả nhất định. Kết quả trên trang facbook "Quản lý đô thị xanh sạch đẹp" là một ví dụ điển hình.
- Ra mắt hàng loạt các trang facebook của lực lượng CSGT, Sở Văn hóa thể thao du lịch, quản lý đô thị…., Đà Nẵng đang muốn được giao tiếp nhiều hơn với dân. Đó có phải là những nét đầu tiên trong xây dựng một nền hành chính tương tác không, thưa ông ?
Nói vậy cũng được, song thật sự chúng tôi chưa có chủ trương này. Nhưng theo tôi nghĩ, trong điều hành, ngoài các kênh chính thống như: hội họp, văn bản hành chính chỉ đạo thì cũng cần các kênh khác, các giải pháp phi chính thức khác. Không nhất thiết phải kênh gì, miễn cho kết quả tốt, vì dân thì cũng cần thử, cần sử dụng.
Thông qua mạng xã hội, chúng tôi xem đó là một kênh thông tin cung cấp thông tin người dân cho lãnh đạo để dân và lãnh đạo gần nhau hơn; xử lý công việc nhanh hơn, kịp thời hơn. Còn việc xây dựng một nền hành chính thì phải cả quá trình. Và trong khi chờ xây dựng quá trình, chúng ta nên sử dụng những công cụ hiện có để đáp ứng nhu cầu của người dân..
Sau khi tương tác với người dân thông quan trang facebook "Quản lý đô thị xanh sạch đẹp". Chúng tôi thấy rằng mạng xã hội là công cụ hữu hiệu, bởi nếu biết khai thác đúng tầm và trong chừng mực nào đó, mạng xã hội rất hiệu quả. Và hiệu quả thì nên làm, bởi chính quyền cuối cùng cũng để phục vụ dân mà thôi.
- Ông nghĩ thế nào nếu Đà Nẵng tiến tới một chính quyền tương tác? Nơi mà người dân và chính quyền có cùng tiếng nói. Các vấn đề nảy sinh từ cuộc sống người dân được người dân phản ánh, chính quyền Đà Nẵng trực tiếp lắng nghe và giải quyết nhanh chóng tâm tư của dân. Thậm chí như lãnh đạo Đà Nẵng và báo chí, có thể nhấc điện thoại, trao đổi và cùng hướng đến một hành động tốt đẹp hơn?
Thật sự là chưa có chủ trương này, nhưng đó là mong muốn của chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi tìm nhiều phương pháp, bằng nhiều công cụ để gần dân hơn, giải quyết những mong đợi của người dân sao cho nhanh nhất. Đó là lý do chúng tôi sử dụng mạng xã hội, xem facebook như một công cụ để thực hiện mong muốn này.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai chính quyền điện tử. Và đẩy mạnh công tác giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc trong đời sống nhân dân TP, tương tác với nhân dân nhiều hơn. Và công nghệ thông tin, mạng xã hội là một công cụ để thực hiện điều này.
- Xin cảm ơn ông!