Đà Nẵng: Dư luận thắc mắc về đơn kiến nghị giữ dinh thự trái phép

Sau khi báo chí đưa tin về việc hơn 100 hộ dân ở khối phố Kim Liên (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) có đơn gởi các cấp chính quyền xem lại quyết định phá dỡ dinh thự xây dựng trái phép trên rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Dư luận tiếp tục tranh luận về "số phận" tòa dinh thự xây dựng trái phép trên rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Dư luận tiếp tục tranh luận về "số phận" tòa dinh thự xây dựng trái phép trên rừng đặc dụng Nam Hải Vân.

Theo đó, những cán bộ cơ sở địa phương có mặt trong đơn kiến nghị là đối tượng được đề cập nhiều nhất. Theo cộng đồng mạng xã hội, chính những cán bộ này cần xem lại cách hành xử của mình, phải chịu trách nhiệm liên đới về những gì đã xảy ra chứ không đơn giản đứng ngoài cuộc.

Cụ thể theo phản ảnh, 2 ông Nguyễn Bá Lưỡng, Bí thư Chi bộ và ông Trần Tình, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 12 khối phố Kim Liên cùng hơn 100 hộ dân sở tại đã cùng ký đơn kiến nghị xin giữ lại dinh thự để chuyển đổi công năng thành khu du lịch sinh thái tâm linh.

Lý do kiến nghị này là các hộ dân “không đành” thấy một công trình xây dựng giá trị phải bị tháo dỡ, trong khi nhiều hạng mục tại đây vẫn chưa hoàn thiện, có thể sử dụng hiệu quả nếu được đổi thành điểm du lịch.

Hơn nữa, lá đơn còn thể hiện kỳ vọng của các hộ dân, là công trình được giữ lại sẽ giúp cho họ cơ hội có việc làm liên quan đến khai thác du lịch.

Song phản ứng của cộng đồng mạng cho thấy không mấy ai chấp thuận đề nghị trên. Thậm chí, các ý kiến phản bác đều đề cập thẳng, chính các cán bộ tại đây phải chịu trách nhiệm liên đới về vụ dinh thự được xây dựng trái phép đã ngang nhiên tồn tại.

Anh Xuân Thắng, một cán bộ làm việc tại Đà Nẵng cật vấn: “Đáng lẽ ra phải “chụp” bác gửi đơn này đầu tiên vì bác ở đó, biết rõ đó nhưng không phản ánh kịp thời ngay từ lúc mới xây dựng”.

Không ít ý kiến đánh giá trên mạng xã hội tỏ ra không đồng tình về đơn kiến nghị giữ lại tòa dinh thự do các hộ dân sở tại đưa ra.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu ngay ban đầu, Chi bộ cơ sở địa phương có trách nhiệm, thì đã kịp phản ảnh và ngăn chặn lập tức các hành động vi phạm pháp luật của các đối tượng xây dựng dinh thự, biệt phủ trái phép.

“Rất lạ là trong khi nơi khác, chỉ cần một dự án gây ô nhiễm, là người dân, nhất là Chi bộ cơ sở có mặt đấu tranh ngay, còn ở đây, các cán bộ cơ sở lại im lặng, để công trình cứ thế mọc lên ngay trong rừng cấm. Việc xây tòa biệt thự như thế, không thể chỉ có vài tuần lễ, nên cần làm rõ trách nhiệm cán bộ chứ không nên bỏ qua. Vậy mà đến nay, khi chính quyền quyết định dẹp công trình sai phạm, chính họ lại kiến nghị giữ lại. Thật khó hiểu”. Anh Phạm Phú C., cán bộ viễn thông Đà Nẵng bức xúc nhận xét như vậy.

Ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đến hết chiều hôm nay 23/72015, chính quyền thành phố vẫn chưa hề nhận được lá đơn kiến nghị nói trên. “Có thể các hộ dân gởi đơn cho quận hay phường, chứ Văn phòng Thành phố chưa hề nhận thông tin chính thức nào về vấn đề này”. Ông Quỳnh nhấn mạnh như vậy.

Do đó, ông Quỳnh cho biết chưa thể bình luận gì về thông tin báo chí phản ảnh. Tuy nhiên, chủ trương đã ban hành của chính quyền địa phương, thông qua Nghị quyết của HĐND là vẫn cương quyết tiến hành tháo dỡ dinh thự xây dựng trái phép trên rừng đặc dụng Nam Hải Vân.

NGUYÊN ĐỨC theo BizLive