|
Đà Nẵng xác định cơ cấu kinh tế dịch vụ sẽ chiếm đến 65%. |
Tỷ trọng ngành này, vốn chỉ chiếm từ 48 - 53% trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng trong gần 20 năm phát triển vừa qua.
Trong đó, dịch vụ du lịch và dịch vụ thương mại, sẽ tiếp tục là hai mảng dịch vụ chủ lực được Đà Nẵng ưu tiên thúc đẩy trong thời gian đến.
Cân đối với tỷ lệ cơ cấu dịch vụ này, mảng công nghiệp, xây dựng sẽ chỉ còn chiếm giữ 35 – 37% cơ cấu kinh tế Đà Nẵng. Tỷ lệ cũ của địa phương, là 2 ngành này chiếm giữ đến 43 – 46%. Trong đó, có giai đoạn ngành xây dựng tăng vọt, chiếm đến gần 40% kinh tế địa phương.
Đà Nẵng xác định việc tái cơ cấu kinh tế ngành này là định hướng cần thiết để địa phương tập trung đúng hướng vào những mũi nhọn chủ lực, và triển khai xây dựng cơ cấu chính quyền đô thị hiệu quả hơn.
Giải pháp chiến lược để thực hiện việc chuyển dịch, thay đổi cơ cấu kinh tế này, cũng được Đà Nẵng xác định là tập trung vào thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xã hội hóa mọi hoạt động đầu tư.
Trong đó, mảng đầu tư công sẽ chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng và các lĩnh vực, ngành kinh tế chủ lực; còn mảng đầu tư xã hội hóa sẽ ưu tiên thu hút các dự án có tiềm năng phát triển về vốn, có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sạch.
Đà Nẵng cũng dự báo đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp địa phương sẽ tăng bình quân trên 10%/năm, với tổng vốn đầu tư phát triển ở khối doanh nghiệp chiếm đến 70% vốn đầu tư phát triển trên địa bàn. Qua đó, đến năm 2020, các doanh nghiệp sẽ đóng góp khoảng 85% tổng thu ngân sách của Đà Nẵng.
Theo Bizlive