Đà Nẵng: Chuyện gì đang xảy ra ở làng cổ Nam Ô?

VietTimes -- Sau nhiều lần chuyển nhượng, điều chỉnh Làng cổ Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã bị quy hoạch “băm nát” không thương tiếc. Và dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án vẫn dựng rào chắn, bít lối đi xuống biển của dân cư, thậm chí công khai rao bán biệt thự, căn hộ tại đây.
Làng cổ Nam Ô chỉ còn là đống đổ nát, chờ ngày xóa sổ nhường đất cho dự án
Làng cổ Nam Ô chỉ còn là đống đổ nát, chờ ngày xóa sổ nhường đất cho dự án
Ai đã bán Nam Ô?
Lần theo những thông tin liên quan đến Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô-Lancaster Nam Ô Resort & Spa gây dư luận trong suốt mầy ngày qua cho thấy những bức xúc của dư luận khi dự án hành xử thô bạo với những giá trị văn hóa tâm linh bao đời của người dân nơi đây. Nhất là khi ngôi làng cổ 700 năm tuổi này được xem là địa linh hiếm có của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi được sang tay chóng vánh với mức giá không tưởng.
Theo tìm hiểu, Dự án Lancaster Nam O Resort có tên dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô ban đầu được UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Cụ thể, tháng 3/2010, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô từ Công ty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm sang cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy (gọi tắt là Tập đoàn Trung Thủy) và mức giá "đổi chủ" vẫn chưa rõ là bao nhiêu.
Đến tháng 9/2010, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiếp tục ra Quyết định về việc quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất dự án này đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy theo phân loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để thu tiền giao quyền sử dụng 10ha trong tổng diện tích khoảng 36 ha đất quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô với mức giá là 70 tỷ đồng. Đồng thời với đơn giá này, UBND TP Đà Nẵng chịu hoàn toàn chi phí đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư cho Dự án.
Không những vậy, theo nội dung của Quyết định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy đã ký hợp đồng giao đất với Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng đối với diện tích 10ha, cùng tổng giá trị hợp đồng là 70 tỷ đồng. Và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, phía Tập đoàn Trung Thủy nộp đủ số tiền sẽ được giảm 10% tổng số tiền sử dụng đất phải nộp. 
Dưới bóng Khu du lịch nghỉ dưỡng, chủ đầu tư đã rao bán các biệt thự nơi đâyDưới bóng Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Ô, chủ đầu tư đã rao bán các biệt thự nơi đây

Sau khi hợp đồng được lập, đến tháng 11/2010, một lần nữa Dự án được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chấp thuận để Tập đoàn Trung Thủy chuyển đổi Chủ đầu tư dự án sang cho Công ty Cổ phần Trung Thủy- Đà Nẵng. Và ngày 24/11/2010, Công ty Cổ phần Trung Thủy-Đà Nẵng đã nộp số tiền 63 tỷ đồng thay vì 70 tỷ theo hợp đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.

Như vậy, với chủ đầu tư ban đầu là Công ty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm, Dự án khu du lịch Nam Ô được sang nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy và tiếp theo đó là Công ty Cổ phần Trung Thủy-Đà Nẵng với mức giá cuối cùng trả cho TP Đà Nẵng là 63 tỷ đồng cho 10ha dự án sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Mặc dù hợp đồng sang nhượng được tiến hành từ tháng 11/2010, nhưng đến tháng 7/2011, UBND TP Đà Nẵng mới có quyết định thu hồi giao đất tại khu vực này cho Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý để thực hiện theo quy hoạch của dự án với diện tích lên đến 36,6ha (hơn 26,6ha so với diện tích thu tiền sử dụng đất đối với dự án Khu du lịch Nam Ô).
Làng cổ Nam Ô sẽ đi về đâu?
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết, Dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô ban đầu có tổng diện tích sử dụng hơn 43,2 ha, nhưng đến năm 2010 khi dự án được giao cho Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng thì dự án được điều chỉnh còn 36ha. Và sau 2 lần điều chỉnh, các diện tích đất liên quan đến khu nghỉ dưỡng đã bị cắt giảm. Đặc biệt là phần diện tích resort đã biến mất, thay vào đó là đất biệt thự tăng lên.
Cụ thể, tháng 12/2010, ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án này với chi tiết diện tích đất khu resort từ hơn 10ha  giảm xuống còn hơn 6,4 ha; đất biệt thự từ hơn 2,2ha tăng lên 4,0ha; đất ghềnh đá Nam Ô từ 4,6ha điều chỉnh tăng lên 4,9ha.
Số phận của những di tích cổ xưa của làng Nam Ô sẽ đi về đâu khi các biệt thự nghỉ dưỡng tại đây được xây dựng lênSố phận của những di tích cổ xưa của làng Nam Ô sẽ đi về đâu khi các biệt thự nghỉ dưỡng tại đây được xây dựng lên

Và gần 4 năm sau, tháng 3/2014, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ tiếp theo đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án và hơn 6,4ha diện tích đất khu resort bị xóa mất; đồng nghĩa với việc xóa sổ hơn 1,745ha đất sân golf; giảm diện tích đất nhà hàng, khách sạn... Thay vào đó là diện tích đất biệt thự từ hơn 4,0ha tăng lên hơn 6,3ha. Và mở mới một loạt các dịch vụ như khu spa sinh thái, căn hộ điểm nhấn, Khu chòi Bungalow nổi,…

Sau khi điều chỉnh, tháng 3/2018, dù chưa được cấp phép xây dựng, nhưng phía chủ đầu tư dự án vẫn ngang nhiên dựng hàng rào, cô lập người dân với biển, cũng như các công trình văn hóa tâm linh tại đây. Chưa dừng lại, chủ đầu tư tiếp tục rao bán công khai các biệt thự trên trang web của doanh nghiệp này, trong khi trước đó dự án được vẽ lên dưới dạng khu resort nghỉ dưỡng. 
Điều khiến người dân địa phương và dư luận bức xúc là dưới sự chấp thuận của TP Đà Nẵng, chủ đầu tư biến hóa khu du lịch thành các biệt thự để rao bán; hành xử thô bạo với các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh của làng cổ Nam Ô;... Nhất là chủ trương xóa bỏ các di tích tại vị trí cũ, di dời các di tích này đến một khu vực khác, nhường đất lại cho dự án bất động sản này.
Tại hiện trường vụ việc chủ đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô-Lancaster Nam Ô Resort & Spa đã dựng hàng rào cô lập dân với biển, cách ly đời sống người dân với những di tích cổ xưa như lăng Ông, dinh Âm hồn, giếng Chăm, miếu Bà Liễu Hạnh,…đã khiến người dân phản ứng dữ dội, buộc lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng phải có mặt để xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng: “Sao có thể hành xử tàn nhẫn với những giá trị văn hóa lịch sử đối với một vùng đất đã đi vào huyền sử như vậy. Giá trị văn hóa, giá trị lịch sử tại ngôi làng cổ hơn 700 năm tuổi này không có gì có thể mua được. Đó là cội rễ dân tộc, là lịch sử và những gì linh thiêng gắn liền với lịch sử mở cõi của Đại Việt”. 
Mặc dù chưa được cấp phép, nhưng chủ đầu tư dự án vẫn ngang nhiên dựng hàng rào, ủi đất cô lập người dân với biển và những công trình văn hóa tâm linh hàng trăm nămMặc dù chưa được cấp phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư dự án vẫn ngang nhiên dựng hàng rào, ủi đất cô lập người dân với biển và những công trình văn hóa tâm linh hàng trăm năm

“Các cấp các ngành Trung ương, các Hiệp hội Khoa học lịch sử, các nhà khoa học cần lên tiếng và xem xét cách hành xử đối với những di chỉ vô giá này. Cần dừng ngay các hành động đối xử thô bạo đối với làng cổ Nam Ô trước khi quá muộn”, ông Hồ Duy Diệm nói.