Tại Hội nghị, Phòng Báo chí-Xuất bản, Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, báo chí đã đăng tải 33.600 tin, bài về Đà Nẵng. Trong đó, có một số vấn đề được báo chí đặc biệt quan tâm gồm: công tác chuẩn bị APEC 2017, sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) 2017, quy hoạch Sơn Trà, thành phố "4 an"...
Thực hiện quy chế trả lời và phản hồi các cơ quan báo chí, Sở TT-TT cho biết có khoảng 223 vấn đề được TP phản hồi (chiếm 81 %) và 53 vấn đề chưa được phản hồi (chiếm 19%). Một số đơn vị như: Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND quận Sơn Trà... đã thực hiện phản hồi thông tin một cách chủ động, tích cực.
Tuy nhiên, thực tế còn có một số trang thông tin điện tử có tên miền và máy chủ ở nước ngoài thường xuyên có bài viết xuyên tạc, bịa đặt về các vấn đề của cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng. Một số trang thông tin có lượng theo dõi, truy cập cao trên facebook và website hoạt động như các cơ quan báo chí khiến người đọc nhầm lẫn tin tưởng vào nguồn tin.
Theo thống kê của Sở TT-TT, có khoảng 8 trang thông tin tổng hợp nhưng giấy phép đăng ký lại ở Sở TT-TT TP Hà Nội hay Sở TT-TT tỉnh Nghệ An, khiến việc quản lý gặp khó khăn. Có trường hợp dẫn các trang thông tin sau khi dẫn nguồn lại tự bổ sung thông tin, tự thêm ảnh và giật tít, câu view khiến nhiều người lầm tưởng.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và có hình thức chấn chỉnh, xử lý. Riêng đối với công tác phát ngôn, cung cấp thông tin phản hồi báo chí, Sở TT-TT sẽ tiếp tục tham mưu để việc phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác hơn.