Đà Nẵng cần hơn 2,5 tỉ đồng để xử lý các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Trưởng ban Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, trên địa bàn TP Đà Nẵng còn 36 điểm tiềm ẩn gây ra tai nạn giao thông. Để xử lý dứt điểm, TP cần khoảng hơn 2,5 tỉ đồng.
Một góc giao thông TP Đà Nẵng về đêm
Một góc giao thông TP Đà Nẵng về đêm

Nguy cơ mất an toàn giao thông do phương tiện tăng nhanh

Tại chương trình HĐND đối thoại với cử tri lần thứ 3, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, tính đến năm 2015, Đà Nẵng có hơn 800.000 phương tiện giao thông các loại, trong đó hơn 50.000 xe ô tô. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, TP có gần 1,1 triệu phương tiện, trong đó có 105.000 xe ô tô.

"Số phương tiện đăng ký mới từ năm 2015 đến nay đã bằng số lượng xe ô tô đăng ký từ năm 2015 trở về trước. Với số lượng ô tô này theo quy chuẩn thì diện tích cho giao thông tĩnh phải tăng thêm 202ha, mới đáp ứng được nhu cầu giao thông đô thị. Tuy nhiên, với con số này thì khu vực trung tâm TP khó khả thi"- đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay.

Tình trạng gia tăng nhanh số lượng phương tiện khiến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Huy - cử tri xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) - nêu ý kiến: Tình hình TNGT trên địa bàn TP thời gian qua diễn biến phức tạp khiến người dân lo lắng mỗi khi ra đường. TP cần chỉ rõ nguyên nhân và cho biết đã có giải pháp gì để kiềm chế?

Nút giao thông cầu vượt phía Tây cầu Trần Thị Lý, một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông của TP Đà Nẵng

Nút giao thông cầu vượt phía Tây cầu Trần Thị Lý, một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông của TP Đà Nẵng

Cùng quan điểm với cử tri Huy, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng - đề nghị UBND TP cần chỉ đạo tăng cường việc phân làn, phân luồng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với lái xe công nghệ và người giao hàng đi xe máy. Cần đưa điều khoản đảm bảo an toàn giao thông trong việc tham gia dịch vụ.

Thừa nhận tồn tại tình trạng mất an toàn giao thông, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng – cho biết, một số tuyến đường có nguy cơ mất ATGT như Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn… nên chăng cần có hành lang cưỡng bức, buộc xe container chỉ chạy 1 làn. Hiện nay còn tình trạng xe container đua nhau tranh đường… rất nguy hiểm.

Còn theo bà Phan Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng - thì qua rà soát, TP Đà Nẵng hiện còn 36 điểm có nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn giao thông. Để xử lý dứt điểm, cần kinh phí khoảng hơn 2,5 tỉ đồng. Chính vì vậy, kiến nghị UBND TP sớm có phương án xử lý, tập trung ưu tiên nguồn lực để xử lý dứt điểm”.

Áp lực cho ngành giao thông

Ghi nhận ý kiến của cử tri, ông Bùi Hồng Trung - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP Đà Nẵng – cho biết, mặc dù TP đã đầu tư nguồn lực cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, cải tạo các nút giao thông, bãi đỗ xe, kiểm soát việc đậu đỗ xe trên đường, mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, giao thông thông minh… tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm vẫn còn tiếp tục diễn ra.

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT, từ năm 2015 đến nay, TP đã xử lý khoảng 115 vị trí ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng, trong khi hạ tầng đặc biệt khu vực trung tâm TP không thể mở rộng được, nên vẫn tái diễn tình trạng ùn tắc.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, trong thời gian qua, Sở GTVT đã tổ chức giao thông 1 chiều trên 23 tuyến đường, hạn chế xe kích thước lớn vào trung tâm TP, bố trí cấm đậu đỗ chẵn – lẻ, đầu tư bãi đỗ xe. Và đến nay đã có hơn 80.000m2 diện tích bãi đỗ xe với gần 4.000 vị trí đỗ xe. Chính vì vậy, các vị trí ùn tắc được cải thiện đáng kể, trong đó năm 2021 xử lý 27 vị trí, năm 2022 xử lý 3 vị trí.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP Đà Nẵng vẫn xảy ra do phương tiện giao thông gia tăng nhanh, trong khi hạ tầng không thể mở rộng

Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP Đà Nẵng vẫn xảy ra do phương tiện giao thông gia tăng nhanh, trong khi hạ tầng không thể mở rộng

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã xây dựng đề án tăng cường vận tải công cộng, kiểm soát phương tiện cá nhân và kiểm soát, điều tiết phương tiện giao thông vào TP. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp như: quy hoạch đô thị, giao thông đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạng lưới vận tải công cộng, kiểm soát sự tăng trưởng phương tiện cá nhân, ứng dụng công nghệ trong điều hành quản lý giao thông...

“Hiện chúng tôi đang báo cáo UBND TP để cuối năm nay hoàn thành việc phân luồng tạm thời cũng như giải pháp lâu dài về quy hoạch, đồng thời, thời gian tới, tiếp tục rà soát các điểm tiềm ẩn tai nạn, ùn tắc giao thông để xử lý”- ông Trung cho biết thêm.