Đến 2025, Đà Nẵng cần ít nhất 75.000 nhân lực công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP TP vào năm 2025, Đà Nẵng cần tối thiểu 4.650 doanh nghiệp công nghệ số và 75.000 nhân lực công nghệ số.
Một góc khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung TP Đà Nẵng
Một góc khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung TP Đà Nẵng

Để đảm bảo nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn, nhất là để phát triển kinh tế số, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành định hướng phát triển nguồn nhân lực này đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu của Đà Nẵng là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP TP, trong đó công nghiệp CNTT-TT chiếm tối thiểu 10% GRDP TP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% GRDP; hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ, đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân; có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm hoặc nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng/năm;…

Để làm được điều đó, Đà Nẵng cần có tối thiểu 4.650 doanh nghiệp công nghệ số và 75.000 nhân lực công nghệ số, hoạt động của các doanh nghiệp tập trung các công ty phát triển công nghệ cốt lõi; phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số (phần mềm, tự động hóa, thiết kế vi mạch,…); xây dựng, phát triển tích hợp các giải pháp kỹ thuật số; khởi nghiệp.

Cũng theo định hướng này, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ có tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và số nhân lực công nghệ số cần có là 115.000 người.

Không những vậy, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đến năm 2025, tỷ trọng nhân lực công nghệ số trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn Đà Nẵng phải đạt 10,3% (mức trung bình cả nước là 2,83%) và 13,7% vào năm 2030 (mức trung bình cả nước là 4,78%). Trong giai đoạn 2022-2025 cần tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và giai đoạn 2026-2030 cần tối thiểu 8.000 nhân lực/năm.

Theo thống kê của Sở TT&TT TP Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2021, TP có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, trong đó 20.500 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 17,8 triệu đồng/người/tháng. Tốc độ tăng trưởng nhân lực CNTT của TP trong 5 năm qua đạt 13,27%, cao hơn mức tăng trưởng nhân lực CNTT cả nước là 8,48%.

So với nhân lực làm việc trong lĩnh vực điện tử chủ yếu là thâm dụng lao động, thì trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số phần lớn là nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản, năng động, là các quản trị dự án có kinh nghiệm; có khả năng đề xuất các giải pháp đáp ứng các yêu cầu khi triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, TP thông minh.

Từng bước thực hiện mục tiêu về chuyển đổi số trên địa bàn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác Chuyển đổi số trong ngành, địa phương, và định kỳ tổ chức đào tạo, tập huấn về công nghệ số cho các cán bộ chuyên trách và các cán bộ, công chức, viên chức TP.

Bên cạnh đó, để huy động thêm nhân lực ngành nghề khác và đặc biệt là từ khu vực tư tham gia vào triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của chính quyền, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP Đà Nẵng đã lập Văn phòng Chuyển đổi số TP; UBND các phường, xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cho từng thôn, tổ dân phố (đã thành lập gần 2.500 Tổ với tổng cộng 13.000 thành viên).

Bản đồ quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng, nơi kỳ vọng đóng góp cho kinh tế số địa phương

Bản đồ quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng, nơi kỳ vọng đóng góp cho kinh tế số địa phương

Tính đến tháng 6/2022, Đà Nẵng có 2,7 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp CNS/1000 dân); tổng nhân lực CNTT của địa phương đạt hơn 44.000 người. Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ số cho phát triển kinh tế-xã hội, Đà Nẵng tiếp tục tập trung phối hợp với các trường đại học trên địa bàn trong công tác đào tạo nhân lực CNTT.

Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy. Năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn TP khoảng 5.700 sinh viên. Cùng với các nguồn cung ở các địa phương thì đây là nguồn cung ứng nhân lực số cho Đà Nẵng trong tương lai.

Theo số liệu Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2021 do Bộ TT&TT công bố, tính đến cuối năm 2020 Việt Nam có hơn 1,081 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT-điện tử, viễn thông.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 8,5%/năm; trong đó, nhân lực phần cứng, điện tử là 842.458 người; nhân lực phần mềm là 149.072 người; nhân lực nội dung số là 34.377 người và nhân lực dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là 55.361 người.

Ngành công nghiệp phần cứng, điện tử chiếm 77,9% tổng số lao động ngành công nghiệp CNTT; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,3%/năm, chủ yếu trình độ trung cấp hoặc phổ thông trung học. Thu nhập bình quân đạt gần 5.000 USD/người/năm.

Ngành công nghiệp phần mềm chiếm gần 13,8% tổng số lao động ngành công nghiệp CNTT, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. Nhân lực làm phần mềm chủ yếu có trình độ cao đẳng và đại học. Doanh thu bình quân trên đầu người đạt gần 40.000/USD/người/năm và thu nhập bình quân đạt trên 9.500 USD/người/năm. Đối với các doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ ủy thác, xuất khẩu phần mềm thì mức thu nhập có thể tăng tới 10.000-12.000 USD/người/năm.

Lao động ngành công nghiệp nội dung số chiếm 3,1% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp CNTT; tốc độ bình quân có xu hướng giảm. Nhân lực làm nội dung số chủ yếu có trình độ cao đẳng và đại học. Thu nhập bình quân đạt gần 7.200 USD/người/năm…

Tuy vậy, nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho khu vực công nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ chuyển đổi số. Chất lượng đội ngũ nhân lực CNTT trong các cơ quan, tổ chức còn nhiều thiếu và yếu. Trung bình mỗi đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 4% công chức chuyên trách CNTT; ở khối tỉnh, thành phố chỉ là 1%. Nhiều đơn vị, kỹ sư CNTT phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không đảm bảo về trình độ CNTT, nên công tác tham mưu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu.